Đinh Tiến Sử (Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Bạch Việt - Bavico) là bị can trong cả hai vụ án "chứa mại dâm" và vụ "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" – mới đây đã bị Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an bắt theo lệnh “truy nã đặc biệt” khi đối tượng này đang trốn tại TP Huế.
Hai vụ án mà Đinh Sử đã bị truy tố, khởi tố gồm vụ tổ chức bán dâm cho nhiều khách du lịch Trung Quốc tại khách sạn Bavico Nha Trang (Khánh Hòa) và vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại khách sạn Bavico Nha Trang và Bavico Đà Lạt (Lâm Đồng), Sử đã bị Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố bị can vào ngày 24/10/2019.
Hiện bị can Đinh Tiến Sử đã bị di lý về giam tại trại tạm giam của Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
Bị can Đinh Tiến Sử. |
Dư luận đặt câu hỏi với hai tội danh trên cùng với việc trốn nã, Đinh Tiến Sử sẽ đối mặt với mức án nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Đinh Tiến Sử là bị can trong 2 vụ án đã bị truy tố “ Tội chứ mại dâm” và khởi tố tội “Lừa đảo chiểm đoạt tài sản”. Đối với 2 tội danh nêu trên, cần căn cứ vào hành vi phạm tội, kết quản điều tra, quyết định khởi tố của cơ quan điều tra đã được phê duyệt để xem xét khung hình phạt cụ thể đối với từng tội danh.
Theo quy định của pháp luật, đối với tội “Chứa mại dâm” quy định tại Điều 327 BLHS năm 2015 hiện hành thì tùy vào từng hành vi phạm tội sẽ có khung hình phạt khác nhau. Và hình phạt cao nhất mà bị can có thể phải chịu là tù chung thân (theo khoản 4 Điều 327).
Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS hiện hành thì hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc trường hợp luật định thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Đây là tội phạm có cấu thành vật chất, do đó mà tài sản chiếm đoạt là một căn cứ vô cùng quan trọng để định tội danh của bị can Sử thuộc khoản nào của Điều 174. Gía trị tài sản mà bị can chiếm đoạt càng nhiều thì mức phạt càng nặng, nếu tài sản chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì hình phat cao nhất mà bị can Sử có thể phải chịu là án tù chung thân” - luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Luật sư Tùng cho biết thêm, đây là hai vụ án và tội danh độc lập. Nếu các tình tiết có liên quan đến nhau thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể gộp lại và cùng tiến hành xét xử trong một phiên tòa. Nếu hình phạt tù có thời hạn được áp dụng cho cả 2 tội danh thì tổng hình phạt tù sẽ không quá 30 năm. Trong trường bị tuyên án phạt tù chung thân thì tổng hình phạt 2 bản án sẽ là tù chung thân.
Nói về việc Đinh Tiến Sử bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã đặc biệt có phải tình tiết tăng nặng hay không?, luật sư Hoàng Tùng cho biết, theo quy định tại Điều 52 BLHS hiện hành thì chỉ các tình tiết được quy định tại Khoản 2 Điều 52 BLHS mới được coi là tình tiết tăng nặng để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, xét khoản 2 Điều 52 thì hành vi bỏ trốn và bị truy nã đặc biệt của bị can Sử không được quy định là tình tiết tăng nặng.
“Hơn nữa tại 2 tội danh mà Sử bị khởi tố và truy tố cùng không có quy định việc bỏ trốn và bị truy nã là tình tiết định khung. Do đó, việc bỏ trốn và bị truy nã đặc biệt của bị can Sử không phải tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, bị can Sử sẽ không được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: người phạm tội ăn năn hối cải, phối hợp tốt với cơ quan điều tra,…”, luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Mời độc giả xem video Bắt Đinh Tiến Sử theo lệnh truy nã đặc biệt:
Nguồn VTC1.