Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước: Bước đột phá của hệ thống chính trị

Tổng Bí thư được bầu chọn làm Chủ tịch nước sẽ tạo điều kiện để thực hiện giám sát quyền lực tốt hơn.

Câu chuyện “nhất thể hóa”, ở đây được hiểu là thống nhất chức danh có vị trí và vai trò tương đương của Đảng và chính quyền, đã được thảo luận rất nhiều ở nước ta. Tuy vậy, đề xuất này vẫn chỉ nằm dưới dạng thảo luận lý thuyết. Chỉ có một số nhỏ địa phương thử nghiệm “nhất thể hóa” vị trí chủ chốt ở cấp cơ sở, như Quảng Ninh hay TP. Hồ Chí Minh, song những bước đi còn khá dè dặt do lo ngại vượt rào.
Nỗi lo đó được xóa bỏ khi cuối năm 2017, BCH Trung ương đã thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW, qua đó tạo cơ sở để “nhất thể hóa” chức danh được thực hiện thí điểm quy mô lớn tại cấp huyện, xã trên quy mô toàn quốc.
Và vừa đây “nhất thể hóa” đã được tiến hành ở cấp cao nhất – hợp nhất chức danh của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Đây thực tế là điều đã được thực hiện ở nước ta trong giai đoạn lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng thôi không áp dụng sau khi Bác qua đời năm 1969.
Tong Bi thu duoc bau lam Chu tich nuoc: Buoc dot pha cua he thong chinh tri
Trung ương đã giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 14. Ảnh: Nhật Bắc 
Các quốc gia theo mô hình XHCN khác áp dụng “nhất thể hóa” ở mức độ và hình thức khác nhau. Trung Quốc “nhất thể hóa” Tổng bí thư và Chủ tịch nước vào năm 1992, dưới thời Giang Trạch Dân. Lào thống nhất chức danh chủ tịch nước và vị trí đứng đầu của Đảng vào năm 1998, dưới thời chủ tịch Khamtai Siphandon, và giữ nguyên tiền lệ này dưới thời của chủ tịch Choummaly Sayasone và Bounnhang Vorachith. Ở Cuba hiện tại thực chất thực hiện chế độ “lưỡng đầu chế”, khi Raul Castro giữ vai trò bí thư thứ nhất của Đảng và tham gia cố vấn, còn chức danh chủ tịch nhà nước và hội đồng bộ trưởng thuộc về nhà lãnh đạo Miguel Mario Díaz-Canel.
Nói vậy để thấy “nhất thể hóa”, nếu thực hiện ở cấp cao nhất, hoàn toàn không phải là thay đổi nào quá lớn, hay đi ngược lại xu thế của các nước xã hội chủ nghĩa. Đây chỉ đơn giản là một cách sắp xếp quyền lực trong hệ thống lãnh đạo, và nhìn nhận dưới một số góc độ, có nhiều điểm tích cực.
Thứ nhất, nhất thể hóa giải quyết vấn đề nan giải liên quan đến hoạt động đối ngoại. Vị trí Tổng bí thư có vai trò quan trọng trong việc xác định đường lối ngoại giao, chiến lược phát triển, và quan điểm chung của Đảng và nhà nước Việt Nam. Trên thực tế, vai trò của Tổng bí thư tương đương với vị trí nguyên thủ của các quốc gia. Tuy vậy, về mặt danh nghĩa, Tổng bí thư vẫn chỉ là lãnh đạo một đảng – dù ở nước ta là Đảng cầm quyền – khiến việc tiếp xúc, giao thiệp, thảo luận, hay trao đổi với các nguyên thủ khác nhiều khi gặp rắc rối về nghi lễ ngoại giao. Nhất thể hóa sẽ “chính thức hóa” vai trò của Tổng bí thư (kiêm Chủ tịch nước), qua đó giải quyết vấn đề này.
Thứ hai, nhất thể hóa chức vụ cao nhất sẽ cho thấy quyết tâm tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy hành chính ở cấp cao nhất. Ở nước ta, trên thực tế tồn tại hai hệ thống hành chính vận hành song song từ Trung ương xuống địa phương: một hệ thống hành chính nhà nước, và hệ thống hành chính của Đảng. Dù có điểm tích cực là hai bộ máy có thể giám sát lẫn nhau, giám sát quyền lực, nhưng hệ thống “nhị nguyên” này tạo ra chi phí khổng lồ cho ngân sách nhà nước.
Từ đầu nhiệm kỳ 2016 – 2021, BCHTW Đảng đã có những bước đi quyết liệt ở các cấp dưới, như việc tái cấu trúc Bộ Công an, sáp nhập các phòng – ban của Đảng và chính quyền có nhiệm vụ tương đương ở cấp tỉnh, hay thí nghiệm nhất thể hóa chức danh lãnh đạo địa phương. Tuy vậy, những bước đi này sẽ chỉ đạt được thành công, nếu có quyết tâm và hành động từ vị trí cao nhất.
Thứ ba, mặc dù có vai trò thực tế rất lớn, nắm trong tay những quyết định quan trọng với đất nước, vị trí Tổng bí thư thực tế chỉ chịu trách nhiệm giải trình với BCHTW Đảng, chứ không phải cơ quan dân bầu là Quốc hội. Nhất thể hóa chức danh sẽ tạo điều kiện để thực hiện giám sát quyền lực tốt hơn, hay nói nôm na như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng ví von, tạo thành chiếc lồng cơ chế, pháp luật để “nhốt quyền lực”. Cơ chế mới cũng có thể mở ra tiền lệ Tổng bí thư (kiêm Chủ tịch nước) có thể trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Ở chiều ngược lại, vấn đề luôn cần quan tâm của nhất thể hóa, dù ở vị trí nào, cũng là kiểm soát quyền lực. Việc chắp nối vị trí của “dân bầu” và của “Đảng cử” không thể thực hiện một cách cơ học, bởi đây là hai khu vực hoàn toàn khác nhau. Ví dụ ở cấp huyện, vị trí của bí thư huyện ủy là do ban chấp hành đảng bộ bầu ra, trong khi chủ tịch UBND là do hội đồng nhân dân – cơ quan dân cử - bầu lên.
Vì vậy để đảm bảo quá trình “nhất thể hóa” được đảm bảo, cần thiết kế những khung thể chế cân bằng và kiểm soát chặt chẽ. Ở các chức danh cấp cơ sở, có thể thử nghiệm bầu cử trực tiếp – ban đầu thử nghiệm ở trong Đảng, sau đó mở rộng ra cơ sở quần chúng – như đề xuất được đưa ra cách đây hơn 10 năm.
Ở cấp cao hơn, khi việc đảm bảo trách nhiệm giải trình bằng bầu cử khó áp dụng trong giai đoạn đầu, có thể gia tăng giám sát bằng việc tăng thêm quyền lực cho cơ quan dân cử là Quốc hội. Các tổ chức quần chúng như Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cũng cần thể hiện rõ vai trò giám sát của mình, phối hợp với các tổ chức xã hội khác để làm cầu nối giữa người dân và chính quyền.
Nhất thể hóa chức danh ở vị trí cao nhất là bước đi đột phá của hệ thống chính trị. Để đảm bảo bước đi này thành công, thì cần phải xây dựng được những thế chế giám sát đi kèm, bởi tập trung quyền lực mang lại hiệu quả cao nhưng cũng dễ dẫn đến nguy cơ lạm quyền, lộng quyền, tha hoá quyền lực.

Tin mới