Theo BCTC bán niên tại các doanh nghiệp bất động sản, top 20 doanh nghiệp có lượng hàng tồn lớn trong nửa đầu năm có sự góp mặt của Novaland (NVL), Nam Long (NLG), Đất Xanh (DXG)…
Tuy vậy, bài viết này đề cập chi tiết đến các doanh nghiệp có khối lượng tồn kho tăng mạnh trong lúc dịch Covid-19 khó khăn.
Theo đánh giá, lượng hàng tồn kho lớn trong thời gian khó khăn này ảnh hưởng đến tính thanh khoản, là cục nợ, trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế, thậm chí làm phá sản doanh nghiệp nếu không thể biến lượng hàng tồn thành tiền và giảm nợ.
Đứng đầu bảng lượng hàng tồn là “ông lớn” Novaland (NVL) có giá trị hàng tồn kho theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 tính đến 30/6 đạt trên 103.000 tỷ đồng, tăng gần 19% chủ yếu đến từ việc tăng chi phí đầu tư phát triển tại các dự án như: Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram.
Có đến 92% tổng hàng tồn kho (tương đương gần 94.731 tỷ đồng) là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.
Trong khi đó, tồn kho bất động sản để bán đã xây dựng hoàn thành là hơn 8.400 tỷ đồng.
Theo thống kê từ Vietstock. |
Còn theo BCTC hợp nhất quý 2/2021 của Phát Đạt (PDR), doanh nghiệp ghi nhận lượng hàng tồn kho tăng mạnh. Cụ thể, tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của Phát Đạt tăng 20% so với đầu năm lên hơn 18.717 tỷ đồng.
Hơn 64% tài sản của doanh nghiệp tập trung ở hàng tồn kho với hơn 12.000 tỷ đồng, chủ yếu là giá trị quỹ đất đã bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp và một số chi phí đầu tư khác.
Có thể nhận thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, Phát Đạt ghi nhận thêm hàng tồn kho tại hai dự án là Bình Dương Tower và dự án Phước Hải. Tổng tồn kho của hai dự án này là gần 3.000 tỷ đồng.
Được biết, tại các dự án là The EverRich 2 và The EverRich 3, Phát Đạt đang trong quá trình hoàn thành các yêu cầu theo quy định của Nhà nước để đủ điều kiện chuyển nhượng phần còn lại của dự án theo HĐHTĐT với hai công ty là Công ty TNHH Đầu tư Big Gain (dự án The EverRich 2) và Công ty TNHH Dynamic Innovation (dự án The EverRich 3).
Đáng chú ý là dự án Bình Dương Tower, đây là dự án Phát Đạt nhận chuyển nhượng từ CTCP Bất động sản Đầu tư và Phát triển Cao ốc Bình Dương (doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng).
Cụ thể, thời điểm đầu tháng 6 năm nay, Phát Đạt đã hoàn tất nhận chuyển nhượng 99,5% vốn góp tại CTCP Bất động sản Đầu tư và Phát triển Cao ốc Bình Dương, qua đó toàn quyền quyết định phát triển và kinh doanh dự án Chung cư Bình Dương Tower.
Một trong những cái tên đáng chú ý trong danh sách doanh nghiệp có giá trị tồn kho cao và có xu hướng tăng lên là Nam Long (NLG). Tính đến hết quý 2/2021, hàng tồn kho của Nam Long là hơn 14.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cuối năm 2020.
Lượng tồn kho của Nam Long chủ yếu đến từ các dự án đang trong giai đoạn dở dang và chủ yếu bao gồm các căn hộ, nhà phố và biệt thự đang xây dựng để bán và đất chờ bán.
Số hàng tồn kho này nằm chủ yếu ở các dự án: Đồng Nai Waterfront (7.196 tỷ đồng); Dự án Hoàng Nam (2.775 tỷ); Dự án Paragon Đại Phước (1.709 tỷ); Dự án Vàm Cỏ Đông (1.174 tỷ).
Một công ty khác cũng có lượng hàng tồn kho tồn đọng nhiều là Bất động sản An Gia (AGG). Giá trị hàng tồn kho tính đến cuối quý 2 là 7.031 tỷ đồng, tăng 22% so với thời điểm cuối năm 2020.
Hàng tồn kho của An Gia chủ yếu ở khoản bất động sản dở dang. Trong đó, dự án The Sóng với 3.007 tỷ đồng, dự án The Westgate với 1.451 tỷ đồng, dự án The Standard với 1.046 tỷ đồng, dự án River Panorama 1, Panorama 2, dự án Sky 89, dự án Signial… Các dự án này đang được An Gia dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản trái phiếu đã phát hành.
Chuyên gia nói gì về lượng tồn kho tăng cao?
Lý giải về nguyên nhân tồn kho của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, trong năm qua doanh nghiệp kinh doanh và nhà đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, cùng với đó là những vấn đề pháp lý liên quan đến việc cấp phép cho dự án bị siết chặt, khiến thị trường giảm nguồn cung sản phẩm mới.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng bày tỏ: “Điều đáng lo nhất là đối với hàng tồn kho đưa ra thị trường rồi mà thị trường không chấp nhận, vì có liên quan đến tính thanh khoản của doanh nghiệp và quan hệ tín dụng với ngân hàng thương mại trong vấn đề nợ xấu và an toàn tín dụng”.
Ngay cả sản phẩm bất động sản được bán xong, ghi nhận doanh thu, nhưng do nhà đầu tư thứ cấp mua, không sử dụng, cất trữ tài sản, về mặt sổ sách không còn là hàng tồn kho nhưng lại tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, theo ông Châu, ở góc độ nào cũng phải cảnh báo với con số tồn kho bất động sản tăng cao. Bởi vì, khi doanh nghiệp muốn kinh doanh theo ý của họ nhưng nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư bất động sản không thể nào biết được đó là ý muốn chủ quan của doanh nghiệp, tồn kho theo kế hoạch hay thực chất là hàng tồn kho không bán được?