Cơn "khát" thực phẩm sạch khiến người Sài Gòn sẵn sàng chi tiền triệu cho những sản phẩm trước đây được xem là quê mùa.
Gia đình anh Nhiệm có 20ha rừng đước ngập mặn để nuôi tôm. Tôm giống vào rừng khi con nước lên và được sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên. Sau 5 – 6 tháng, khi con tôm lớn sẽ tìm cách “chạy nước” lúc triều cường. Gia đình anh Nhiệm mở van cống để thu hoạch tôm.
Các sản phẩm tôm sinh thái được anh Nhiệm đóng gói rất đẹp mắt, như những hộp quà tết sang trọng nên được khách hàng tin dùng. Ảnh: Thuận Hải. |
Đây là sản phẩm tôm sinh thái, được nuôi tự nhiên trong rừng đước ngập mặn ở bán đảo Cà Mau, với tiêu chí không sử dụng thức ăn công nghiệp, không kháng sinh, không bơm tạp chất… Do đó, giá sản phẩm này cũng cao hơn nhiều lần so với sản phẩm tôm thông thường.
“Năm nào trúng mùa thì thu được khoảng 4 tấn tôm tươi. Đây là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên nên được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người tiêu dùng ưa chuộng”, anh Nhiệm thông tin. Ảnh: Thuận Hải. |
Không như sản phẩm tôm thẻ, tôm sú nuôi công nghiệp, con tôm sinh thái rất nhỏ, loại lớn nhất cũng chỉ to chưa bằng ngón tay út. Do vậy, phải đến 9 kg tôm tươi thì mới được 1kg tôm khô. Giá sản phẩm tôm khô sinh thái do vậy cũng cao hơn nhiều, hiện được anh Nhiệm bán với giá 1,6 triệu đồng/kg. Còn tôm tươi được anh bán với giá 240.000 – 250.000 đồng/kg.
Mới đây, tại Chợ phiên nông sản thực phẩm an toàn tổ chức tại quận 4 (TP.HCM), sản phẩm tôm sinh thái của anh Nhiệm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng khi đóng gói đẹp mắt, thành những hộp quà sang trọng. Ngoài tôm, các sinh vật khác sống cùng trong rừng ngập mặn như cua, cá… cũng được người tiêu dùng thích thú.
Chị Nguyễn Thị Mùi, ngụ đường Tôn Đản (quận 4, TP.HCM) cho biết, do lo lắng về độ an toàn của thực phẩm khi hằng ngày đọc báo nghe nhiều thông tin về dư lượng kháng sinh, tạp chất trong sản phẩm… nên khi biết ở đâu có sản phẩm “nhà quê” mang lên phố là chị lại tìm mua.
Người Sài Gòn sẵn sàng chi tiền triệu cho thực phẩm sạch. Ảnh: Thuận Hải. |
Có lẽ cũng vì “khát” thực phẩm sạch mà trong thời gian gần đây, rất nhiều các chợ phiên nông sản sạch, an toàn… được tổ chức để đáp ứng tiêu dùng người tiêu dùng.
Ngay trong cuối tuần trước, chỉ trong 1 buổi sáng, có đến 3 phiên chợ nông sản an toàn được khai mạc, trong đó có một chợ phiên do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) tổ chức tại quận 4, một Hội chợ Xanh do Ban Quản lý ATTP TP.HCM tổ chức tại quận Tân BÌnh.
Ông Hồ Văn Ngon - Phó Tổng giám đốc Sagri, nhận định, nhìn thấy được "cơn khát” của người tiêu dùng TP, nhất là khi nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho dịp tết nguyên đán sắp tới, Sagri lần đầu tiên tổ chức phiên chợ nông sản sạch. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu các sản phẩm nông sản của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp gần gũi và nắm bắt rõ hơn nhu cầu của thị trường.
Trước nhu cầu tìm mua thực phẩm sạch, đã có rất nhiều phiên chợ nông sản được tổ chức tại TP.HCM. Thậm chí, chỉ trong 1 ngày, có đến 3 hội chợ được khai mạc. Ảnh: Thuận Hải. |
Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng thẳng thắn, việc của Ban không phải là đi “mở chợ, bán hàng”, tuy nhiên, bên cạnh chống thực phẩm bẩn, TP.HCM cũng muốn đẩy mạnh xây dựng, quảng bá các sản phẩm an toàn, chất lượng, hướng dẫn người tiêu dùng tìm đúng điểm mua hàng có uy tín. Do đó, đơn vị này cũng lần đầu tiên tổ chức hội chợ giới thiệu nông sản sạch, xanh.