Cũng theo vị nhạc sĩ này, bán vé trong nhà hát giá đắt, chỉ người giàu mới xem được.
Khánh Ly hát được 8/10 so với xưa là đủ!
Ông và danh ca Khánh Ly từng là cặp nhạc công - ca sĩ nổi tiếng của những năm 1970. Sau nhiều năm xa cách, việc tái hợp trên sân khấu trong đêm nhạc Khánh Ly vào ngày 2/8 tại HN và 8/8 tại Đà Nẵng hẳn mang lại cho ông nhiều cảm xúc?
Nghe thì tôi biết vậy thôi chứ tới bây giờ vẫn chưa có thông tin chính xác. Hôm trước tôi cũng có gặp người bên BTC, họ nói tôi có rảnh hai ngày đó không để tham gia đêm nhạc Khánh Ly chứ chưa nói sẽ làm gì, hay kết hợp như thế nào. Tôi và Khánh Ly cũng chưa liên lạc về việc này.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Khánh Ly. |
Từng ao ước có dịp tái hợp Khánh Ly trên sân khấu, điều gì khiến ông mong mỏi đến vậy?
Chúng tôi từng là một cặp diễn chung với nhau trên sân khấu, tình nghệ sĩ có nhiều cảm xúc không dễ gì quên được. Sau mấy chục năm nếu lại có cơ hội diễn cùng nhau thì vui lắm, đầy ắp những kỷ niệm. Cảm xúc ấy không thể nào nói hết được.
Ông thấy giọng ca của Khánh Ly khi sắp chạm tuổi 70 như thế nào so với ngày xưa?
Giọng ca của Khánh Ly bây giờ chắc không được như ngày xưa nữa. Nhưng cái chất giọng thì vẫn còn vẹn nguyên. Thậm chí còn sâu lắng, nhiều cảm xúc hơn. Với bất cứ người ca sĩ nào điều quan trọng là thổi hồn vào được ca khúc.
Thực ra, sau quãng thời gian dài, hiện tôi vẫn chưa nghe trọn vẹn Khánh Ly hát. Trong buổi tập nhạc của Khánh Ly tại TP.HCM cho đêm diễn trước cô ấy giữ giọng chỉ hát một đoạn. Nhưng tôi nghĩ, giọng hát Khánh Ly bây giờ chỉ cần được 8/10 so với ngày xưa thôi thì cũng đủ rồi.
Là ca sĩ cũng khi hát hay, lúc lại chưa hay. Chưa kể giọng hát còn phụ thuộc vào yếu tố sức khỏe. Ngay cả khán giả cũng vô cùng quan trọng, họ tiếp sức khiến cho ca sĩ thăng hoa, hát hay hơn trên sân khấu.
Cũng như tôi, ngày xưa đàn khác, còn bây giờ đàn khác. Vẫn là cái đàn ấy nhưng giờ tôi không còn nghĩ đến kỹ thuật mà hướng đến cái hồn của ca khúc.
Khánh Ly gần 60 mới trở lại HN (Khánh Ly sinh ra ở HN, năm 1956 bà theo mẹ di cư vào nam, năm 1975 bà sang Mỹ định cư) nhưng đêm nhạc của bà đêm 9/5 vừa qua vẫn cháy vé, chật kín chỗ. Ông có thể lý giải tại sao Khánh Ly giữ được sức hút lâu như thế?
Nói đến Khánh Ly ai cũng nghĩ đến sự kết hợp giữa giọng ca Khánh Ly và nhạc Trịnh Công Sơn. Khánh Ly gắn bó với Trịnh Công Sơn nhiều nhất, là người hát nhạc Trịnh thành công nhất. Thế nên khi nghe Khánh Ly về hát ai cũng tò mò, họ không biết Khánh Ly bây giờ ra sao, có già đi lắm không, giọng hát có còn như xưa. Đó là lý do mọi người chờ đợi.
Khánh Ly trong đêm nhạc diễn ra vào tối 9/5 tại HN. |
Vậy thỏa được sự tò mò đó rồi liệu đêm nhạc tới đây còn hút khán giả khi cuộc trùng phùng mới cách đây 3 tháng?
Phải xem là lần vừa rồi Khánh Ly có đáp lại mong muốn của khán giả, có để lại ấn tượng với khán giả hay không. Nếu làm được thì Khánh Ly đã thành công. Còn lần này, nếu đêm nhạc vẫn thu hút được khán giả chứng tỏ khán giả vẫn còn yêu thích Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn. Đó cũng là may mắn cho Khánh Ly.
Giá vé đêm nhạc Khánh Ly từ 900 – 3 triệu, đêm nhạc lần trước còn cháy vé và bị đẩy lên 12 triệu/cặp, nhiều người cho rằng đây là giá cho đại gia còn khán giả bình dân khó mà xem được, ông nghĩ sao?
12 triệu/ cặp là cao lắm! Tôi từng nói với Khánh Ly, nếu về mà hát ở những địa điểm như sân vận động, trường học thì nhiều người lao động được xem hơn. Chứ giá vé cao chỉ có nhà giàu được xem thôi.
Còn để bán, với giá vé này tôi nghĩ có thể bán được. Thật ra vẫn có những chương trình giá vé cao vẫn có người mua.
Theo ông, Khánh Ly là người hát nhạc Trịnh hay nhất?
Nói đúng là Khánh Ly hát nhạc Trịnh đặc biệt nhất. Còn cũng có bài hay bài không hay bằng. Tiếng hát Khánh Ly gắn liền với nhạc Trịnh Công Sơn rồi. Khánh Ly sinh ra để hát nhạc Trịnh. Cô ấy cũng hát nhạc của người khác nhưng không được để ý nhiều như hát nhạc Trịnh.
Còn cũng có nhiều người hát nhạc Trịnh. Như Hồng Nhung lại có một lối hát rất khác. Mỗi người có một cái hay riêng. Ví dụ bài Diễm xưa thì Hồng Nhung không để lại nhiều dấu ấn được mà phải Khánh Ly. Nhưng nếu để Khánh Ly hát bài Bống thì làm sao bằng được Hồng Nhung.
Không có Khánh Ly chắc không có Nguyễn Ánh 9 nhạc sĩ!
Là người bạn tri kỷ của Khánh Ly cả ngoài đời và trên sân khấu, ông có thể chia sẻ kỷ niệm đặc biệt với danh ca này?
Kỷ niệm đặc biệt với Khánh Ly đó ra nhờ cô ấy mà tôi sáng tác được bài Không. Lần ấy tôi đi Nhật biểu diễn cùng Khánh Ly. Tình cờ lần đi thang máy cô ấy hỏi chuyện tôi còn thương một bạn gái cũ không, sẵn cây đàn ghi-ta trên tay tôi gảy luôn và hát: "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...". Đến khi về VN Khánh Ly “đặt hàng” tôi viết ca khúc này. Nếu không có cô ấy thúc giục sẽ không có bài Không và chắc là cũng không có một Nguyễn Ánh 9 ở vai trò nhạc sĩ.
Bài Không được Khánh Ly hát đầu tiên, sau khi cô ấy thu đĩa thì “bán cái” cho Elvis Phương.
Tiếng đàn Nguyễn Ánh 9 sẽ thăng hoa cùng giọng hát Khánh Ly. |
Trong đêm nhạc sắp tới, ngoài nhạc Trịnh, liệu có màn kết hợp giữa Khánh Ly và chính ngón đàn cùng sáng tác của ông? Ông có mong điều này?
Chắc là không có đâu vì Khánh Ly hát nhạc Trịnh mà (cười). Tôi mong sẽ làm tròn vai trò của nhạc công để giúp Khánh Ly thăng hoa với nhạc Trịnh.
Từng lên tiếng rút lui khỏi những sân khấu lớn, điều gì khiến ông quyết định tái xuất với đêm nhạc Khánh Ly?
Thực ra tôi có ý định rút lui từ lâu rồi, vừa là lý do sức khỏe vừa là tôi cũng muốn đi diễn ở quán cafe, những nơi nhẹ nhàng hơn. Lần này xuất hiện cùng Khánh Ly là sự kiện đặc biệt.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!