Tôi đến rước con bé, tức đến nghẹt thở vì đã hẹn từ 5 ngày trước nhưng mẹ nó chẳng chuẩn bị gì cho con. Chiếc ba lô học trò dơ bẩn sứt quai đeo, bộ quần áo học sinh duy nhất mặc trên người kèm câu bảo con: “Thôi cứ về với mẹ T. đi, không lẽ bả để mày ở truồng?”.
Tôi không trách vì có lẽ cô ấy bầu bì nên không tiện đi lại mua sắm cho con. Nhưng con bé sẽ vắng nhà cả tháng, sao người làm mẹ chẳng chút băn khoăn hay lo liệu?
Tôi thương con, chỉ lo là con bé vẫn chống đối như trước. Ảnh minh họa |
Nhưng thật buồn, con bé luôn gườm gườm nhìn tôi dù hàng ngày nó vẫn ăn, ngủ, sinh hoạt trong nhà tôi. Khi ăn, con bé thường vứt thức ăn thừa xuống nền nhà khiến tôi phải lau dọn. Tôi nhắc thì bé bảo “Đó là tại mẹ không nuôi chó chứ không phải tại con. Nếu mẹ nuôi chó thì thức ăn đổ, nó sẽ dọn sạch hết”. Ừ thì tôi không nuôi chó, vì chứng viêm xoang dị ứng mùi và lông súc vật.
Nhưng cách trả lời của con bé thì thật là...Con bé 10 tuổi này là kết quả từ cuộc hôn nhân trước của chồng tôi. Chia tay, vợ anh được quyền nuôi con, anh cấp dưỡng. Bốn năm sau, cô ấy lấy chồng và sắp sinh con. Anh và tôi cũng vừa cưới nhau, tôi cũng quý con gái nên nhân lúc mẹ bé sắp “ở cữ”, tôi xin đón bé về chăm sóc dù biết đưa đón bé với cung đường 20km từ nhà chúng tôi ngược về trường bé đang học mỗi ngày chẳng dễ dàng gì.
Con bé còn vứt lung tung quần áo. Giày vớ, nón, áo khoác bày bừa ngay từ cửa dù tôi có để sẵn kệ dép, móc áo. Đồng phục đi học, nó không bỏ vào máy giặt như tôi căn dặn mà ném búa xua trong nhà tắm cùng khăn mặt. Mỗi khi nó tắm xong thì nhà tắm trở thành bãi chiến trường, tôi phải dọn đến mươi phút. Bảo con trở vô dọn gọn gàng như trước khi tắm, nó nhếch môi “Mẹ cứ quan trọng hóa vấn đề”.
Trong phòng riêng, nó vứt bừa bãi vỏ bánh, ly trà sữa, thức ăn thừa..., còn nhét cả vào khe giường khiến mùi chua hôi bốc lên khó chịu. Phát hiện và dọn dẹp, tôi bảo bé đừng như thế nữa, nhà phố cửa kính giữ mùi chứ không như ở nông thôn rộng rãi, mùi phân tán. Nó cong môi “Mẹ kỹ quá thành ra khổ. Chứ nhà mẹ con cả tuần dọn một lần cũng có sao đâu!”.
Tôi bó tay và đành dọn mỗi ngày. Vậy mà nó ngang nhiên dán ngoài cửa phòng tờ giấy "Tự tiện vào phòng người khác là mất lịch sự”. Tôi không nhịn được nữa nên đã ‘triệu hồi” chồng về giữa giờ làm việc để anh “mục sở thị” phòng con gái.
Kết quả là anh không kìm được sự nóng giận nên đã tát con một bạt tai. Con bé khóc òa, bù lu bù loa: “Vì tui nể bà là vợ của ba tui thôi. Chứ tui với bà chả là gì của nhau cả! Vì bà độc ác, bà là quái vật, chuyện gì cũng cằn nhằn! Cái gì cũng đi méc ba tui cho tui bị đòn!”.
Tôi... đứng hình. Chồng đem "trả con” ngay ngày hôm sau dù sau đó anh luôn buồn bã chứ không huyên thuyên nói cười như trước.
Tôi cũng không bàn đến chuyện con bé nữa, vì dù tôi tốt cả đời thì với con bé cũng “chả là gì của nhau”.
Nhưng bốn tháng sau, bỗng một tối, dì của bé gọi cho tôi, rằng nhà “có chuyện” và xin tôi bỏ qua sự hỗn hào của bé mà giúp đỡ. “Nhưng là việc gì?”, tôi hơi gắt. “Chị đừng cười, cũng đừng vội nói với ba của bé thì em mới dám nói. Cha dượng đã có hành vi không đúng với con bé... Em nói vậy chị hiểu chứ? Tụi em ai cũng có hoàn cảnh, chị gái em thì giữa chồng và con cũng không biết làm sao. Chỉ còn cha của bé, nên em xin chị giúp đỡ”.
Tôi đành đồng ý nhưng lòng ngổn ngang. Thương con thì tôi vẫn thương, vì tình người lẫn tình yêu chồng, bởi có người vợ nào không muốn chồng mình vui. Nhưng nghĩ đến cảm giác con bé xa lạ và chống đối, tôi bỗng rùng mình.
Còn mẹ con bé sẽ xử sao với người có hành vi xâm hại con mình? Tôi “chứa chấp” con bé chỉ là biện pháp tình thế, về lâu về dài sẽ thế nào? Tôi nên làm thế nào để con hiểu được lòng mình? Tôi rối trí quá.