Tòa Trọng tài Thường trực sẽ đưa ra phán quyết vụ Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc về yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông vào ngày 12/7 tới đây. Vụ kiện này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước cũng như giới chuyên gia, giới quan sát. Theo thông tin từ tờ Rappler của Philippines, tòa Trọng tài Thường trực cho biết phán quyết cụ thể sẽ được gửi qua thư điện tử cho các bên liên quan.
Trên thực tế, từ khi thành lập đến nay, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye đã giúp giải quyết nhiều tranh chấp quốc tế bằng con đường hòa bình. Vậy, bạn hiểu gì về Tòa Trọng tài Thường trực đóng vai trò quan trọng trong việc phán quyết vụ kiện biển Đông đang nóng hầm hập dư luận sắp tới?
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được thành lập năm 1899, trên cơ sở Công ước La Haye 1899 (còn được gọi là công ước La Haye I) về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các thực thể tư nhân. Với tư cách là một thiết chế quốc tế giúp các quốc gia có thể giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, Tòa Trọng tài thường trực La Haye đặt trụ sở chính tại Cung điện Hòa Bình, thành phố La Haye của Hà Lan chính thức đi vào hoạt động từ năm 1902.
Kể từ khi thành lập đến nay, quy chế của Tòa Trọng tài Thường trực đã nhiều lần điều chỉnh để ngày càng kiện toàn bộ máy và cơ chế hoạt động hơn. Theo đó, năm 1907, tại Hội nghị hòa bình La Haye lần thứ hai, các quốc gia đã ký kết Công ước Lahay II nhằm sửa đổi và bổ sung một số quy định về PCA theo quy định của Công ước La Haye I. Công ước La Haye 1907 (Công ước Lahay II) ra đời góp phần hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động của Tòa trọng tài thường trực.
Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye trở thành tổ chức quốc tế với hơn 100 quốc gia là thành viên của một hoặc cả hai công ước. Theo đó, các nước này là là thành viên của một hoặc cả hai công ước: Công ước La Haye 1899 và Công ước La Haye 1907.
Xét về thẩm quyền giải quyết tranh chấp quốc tế, Tòa Trọng tài Thường trực có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia thành viên, trừ khi các quốc gia thỏa thuận lựa chọn một phương thức giải quyết khác.
![]() |
Tòa Trọng tài Thường trực đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những tranh chấp quốc tế. |
Tòa Trọng tài Thường trực là cơ quan tài phán quốc tế thường trực. Trên thực tế, PCA gồm một danh sách các trọng tài viên thường trực, có thể được các quốc gia lựa chọn khi giải quyết các tranh chấp. Theo đó, chỉ có cơ quan tối cao của Tòa - Hội đồng điều hành là cơ quan thường trực. Hội đồng bao gồm đại diện ngoại giao tại La Haye của tất cả các quốc gia thành viên và Bộ trưởng ngoại giao Hà Lan là Chủ tịch Hội đồng điều hành. Hội đồng có trách nhiệm xác định chính sách và đưa ra các hướng dẫn chung cho hoạt động của PCA, quyết định các vấn đề về hành chính và ngân sách.
Đối với các vụ tranh chấp, mỗi bên tranh chấp có quyền chỉ định số lượng trọng tài viên bằng nhau tham gia Hội đồng trọng tài (trong đó có thể chọn một người là công dân nước mình). Những trọng tài viên này được chọn từ danh sách Ban trọng tài gồm khoảng hơn 300 người. Các trọng tài viên này sẽ tiếp tục chỉ định trọng tài viên tiếp theo làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Phán quyết của Hội đồng trọng tài được thông qua theo nguyên tắc đa số. Phán quyết này có giá trị chung thẩm và bắt buộc đối với các bên liên quan.
Tòa trọng tài thường trực cũng thành lập các Ban hội thẩm chuyên trách để giải quyết các vụ việc liên quan đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Đối với mỗi vụ tranh chấp, tòa trọng tài thường trực áp dụng những quy tắc tố tụng khác nhau. Quá trình, thủ tục giải quyết mỗi vụ tranh chấp có quy định riêng, không có quy định chung. Trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực giải quyết các tranh chấp quốc tế trong thời gian khác nhau. Ví dụ như, trong vụ tranh chấp biên giới giữa Ethiopia – Eritrea, Tòa Trọng tài Thường trực mất 13 tháng để giải quyết. Tuy nhiên, đối với trường hợp tranh chấp giữa Guyana-Suriname, thời gian mà Tòa trọng tài Thường trực giải quyết vụ kiện là 3,5 năm.
Video Việt Nam cử quan sát viên tham dự phiên tòa Philippines kiện TQ (nguồn: VTC):