Mới đây, Viện nghiên cứu tài chính và hợp tác thương mai Đông Nam Á, đã tổ chức buổi tọa đàm: “Ngân hàng số, cách mạng công nghệ 4.0". Ngoài các nhà nghiên cứu về tài chính, buổi tọa đàm còn có sự góp mặt của rất nhiều giảng viện đến từ trường đại học như: Học viện tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Học viện ngân hàng…
Quảng cảnh buổi tọa đàm: "Ngân hàng số, cách mạng công nghệ 4.0". |
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến trao đổi về các quan điểm liên quan đến ngân hàng số. Theo đó, ngân hàng số có sự phân biệt với ngân hàng điện tử. Cụ thể E Banking (Ngân hàng điện tử) gồm các dịch vụ Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking và kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng; không làm ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc của ngân hàng mà chỉ mang tính bổ sung thêm trên nền tảng hiện tại.
Trong khi đó, Digital Banking (Ngân hàng số) là giai đoạn phát triển cao hơn của E banking và mô hình kinh doanh; ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc của một ngân hàng, từ cơ cấu tổ chức đến quy trình sản xuất và cung cấp sản phẩm dịch vụ, vấn đề pháp lý, chứng từ và phương thức giao dịch với khách hàng.
Ông Phùng Thanh Quang (Đại diện Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) đưa ra ý kiến: "Trên thế giới, có 3 cấp độ chuyển đổi ngân hàng số: một là chuyển đổi một phần, số hóa quy trình, kênh phân phối hoặc sản phẩm dịch vụ; hai là xây dựng mảng kinh doanh số riêng cho ngân hàng; ba là số hóa toàn bộ hoạt động ngân hàng. Hiện đa số ngân hàng Việt đang theo cấp độ một, một số ngân hàng lớn đang đồng thời thực hiện cấp độ hai.
Thêm vào đó, việc xây dựng hành lang pháp lý cũng đòi hỏi vừa phải tạo ra sự thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo vừa phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tránh những bất ổn về tài chính".
Cũng đóng góp ý kiến cho buổi tọa đàm, Tiến sĩ Đào Thị Hương (Học viện Tài chính) nói: "Trong nhiều năm, các ngân hàng đi đầu trong việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ nhu cầu đa dạng về tài chính của khách hàng. AI trở nên phổ biến trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm sự cạnh tranh về thị trường, quy trình dịch vụ, xây dựng thương hiệu, nhu cầu khách hàng, tăng hiệu quả hoạt động và năng suất nhân viên, lợi nhuận, giảm rủi ro gian lận và bảo mật, quản lý dữ liệu lớn với tốc độ nhanh...".
Kết thúc buổi tọa đàm, đa phần các ý kiến cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp để phát triển ngân hàng số. Có thể kể đến là tăng cường hợp tác thay vì cạnh tranh, tận dụng cách mạng 4.0 ở các khía cạnh như đẩy mạnh số hóa các dịch vụ, sử dụng dữ liệu lớn, sử dụng internet kết nối vạn vật IoT, sử dụng trí thông minh nhân tạo...