Hàng cao cấp giá rẻ chưa từng có
Những năm gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường xuất nhập khẩu lớn của nông sản Việt. Năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra căng thẳng, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Song, ở chiều ngược lại, dân Việt được ăn nhiều loại hải sản, trái cây cao cấp với giá rẻ chưa từng có.
Còn nhớ, vài năm trở lại đây, tôm hùm Alaska và cua Hoàng đế Alaska có trọng lượng từ vài cân đến cả chục cân mỗi con được nhập về Việt Nam. Song, cùng với trọng lượng khủng, những con tôm, con cua này cũng được xếp vào những món ăn có giá đắt đỏ bậc nhất. Thực khách phải chi từ vài triệu đến cả chục triệu đồng để mua được loại hải sản này về ăn.
Tôm hùm Alaska được nhập về ồ ạt và bán với giá rẻ hơn cả tôm hùm của Việt Nam. |
Vì thế, phần lớn 2 mặt hàng này chỉ để phục vụ giới nhà giàu lắm tiền. Thậm chí, để thưởng thức được những loại hải sản cao cấp này, người mua còn phải chờ đợi cả tuần, thậm chí cả tháng vì chúng thuộc dạng hàng hiếm.
Thế nhưng, sang đến 2019, tôm hùm Alaska và cua Hoàng đế Alaska ồ ạt về Việt Nam, được bán la liệt trên thị trường, tràn lan “chợ mạng” với số lượng bao nhiêu cũng có.
Đáng chú ý, thay vì mức giá đắt đỏ 1,3-2,5 triệu đồng/kg như trước, hải sản cao cấp lại có giá rẻ chưa từng có. Đơn cử, tôm Alaska sống cỡ 500-900 gram/con giá bỏ sỉ là 700.000 đồng/kg; tôm Alaska sống cỡ 1-4 kg/kg/con giá 830.000 đồng/kg; tôm Alaska mới ngất cỡ 1-4 kg/con giá 570.000 đồng/kg; tôm Alaska ngộp cỡ 1-4 kg/con giá 480.000 đồng/kg,...
Trên thị trường giá bán lẻ của loại tôm này chỉ dao động từ 550.000-1 triệu đồng/kg tuỳ loại.
Bên cạnh tôm hùm Alaska, cua Hoàng đế Alaska giá cũng giảm một nửa so với năm 2018, xuống chỉ còn 1,3-1,5 triệu đồng/kg cho loại cua sống đang bơi thay vì giá 1,9-2,5 triệu đồng như trước đó.
Tương tự, nếu các năm trước, cherry Mỹ về Việt Nam giá 400.000-600.000 đồng/kg thì năm 2019, người Việt được ăn loại trái cây sang chảnh này với giá rẻ bất ngờ. Trên thị trường, giá cherry Mỹ nhập khẩu giá 200.000-300.000 đồng/kg tùy loại, giảm gần nửa so với những năm trước.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳn, cherry Mỹ đổ về Việt Nam giá giảm một nửa |
Các chuyên gia trong ngành cho hay, do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, Trung Quốc đã hủy mua nhiều mặt hàng của Mỹ để trả đũa sau khi Mỹ áp thuế 300 tỷ USD lên hàng hóa của nước này. Do đó, một số mặt hàng trước kia Mỹ xuất bán sang Trung Quốc thì đang hoặc sắp tới sẽ được đẩy sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Giới buôn bán trái cây nhập khẩu cho biết, lượng cherry Mỹ năm nay nhập về Việt Nam tăng gấp 3 lần, giá giảm khoảng 40-50% so với năm 2018.
Thực tế, chia sẻ trên South China Morning Post vào hồi giữa năm nay, một thương nhân ở Thượng Hải có nhiều năm nhập khẩu cherry kể từ khi căng thẳng Mỹ - Trung diễn ra, nhiều đối thủ của ông đã cắt đứt kinh doanh với đối tác Mỹ, thậm chí hoàn trả các chi phí thanh toán trước. Hơn một nửa số hàng cherry của Mỹ sẽ không được xuất sang Trung Quốc và đây sẽ là thiệt hại lớn cho nông dân nước này.
Ở mặt hàng cua lông, dù không bị ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ - Trung, song năm 2019, dân Việt cũng được thưởng thức loại đặc sản mỗi năm chỉ có một lần này ở Trung Quốc với giá siêu rẻ, chỉ khoảng 45.000-100.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi, những năm trước đó, cua lông bán ở Việt Nam có giá từ 200.000-1 triệu đồng/con tùy loại.
Thịt lợn, thịt gà giá rẻ dồn về Việt Nam
Năm 2019, do bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung trong nước thiếu hụt kéo theo lượng thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh. Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập 11,7 ngàn tấn thịt với kim ngạch nhập khẩu 22,1 triệu USD, tăng gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tiết lộ, các mặt hàng như chân lợn, tai lợn, đuôi lợn,... từ Mỹ nhập về qua cảng ICD Phước Long TP.HCM giá chỉ 1 USD/kg (tương đương 23.238 đồng/kg).
Mức giá này được cho là siêu rẻ khi so với giá thịt lợn tại Việt Nam đang ở mức 150.000-250.000 đồng/kg tùy loại.
Ba cuối năm, theo tính toán của Bộ NN-PTNT, cả nước dự kiến thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Theo đó, việc nhập khẩu thịt lợn cũng đang được tính toán đề bù đắp vào sự thiếu hụt này.
Ngoài thịt lợn, năm 2019 thịt gà nhập khẩu về Việt Nam cũng tăng mạnh. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong 9 tháng năm 2019, cả nước nhập khẩu 215,7 nghìn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD, tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thịt gà từ Mỹ chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%. Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này là 861 USD/tấn, tương đương khoảng 19.800 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...).
Một chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, khi thịt lợn, thịt gà Mỹ vào Việt Nam nhiều, người tiêu dùng sẽ được mua sản phẩm với giá tốt, có nhiều sự lựa chọn hơn, song đương nhiên người sản xuất sẽ thiệt thòi. Vấn đề là cần tính đến câu chuyện hài hoà lợi ích giữa các bên, đảm bảo hỗ trợ người sản xuất có được lợi nhuận.