Hãng thông tấn AP đưa tin cho hay, nhiều khả năng Iran đang tiến hành tìm kiếm cơ hội sở hữu máy bay tiêm kích đa năng Su-30 hoặc thậm chí là cả Su-35 từ Nga sau khi nước này thoát khỏi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Thông tin này được chính Bộ trưởng Quốc phòng Iran tướng Hossein Dehghan tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với một kênh truyền hình nhà nước của Iran. Theo đó nhiều khả năng một thỏa thuận ngầm giữa Iran và Nga đã được hai bên đàm phán từ lâu trước khi thông tin này được công bố. Tuy nhiên tướng Dehghan lại không công bố số lượng những chiếc tiêm kích đa năng Sukhoi sẽ mua từ Nga cũng như thời gian bàn giao số máy bay này.
Những chiếc tiêm kích đa năng Su-30 của Nga được đánh giá sẽ giúp tái sinh phi đội máy bay chiến đấu già nua của Iran. |
Một số nguồn tin quân sự còn cho hay, Tehran thậm chí còn lên kế hoạch hợp tác với Nga thành lập một liên doanh lắp ráp Su-30 tại Iran tương tự như những gì Ấn Độ đang làm với những chiếc Su-30MKI.
Thông báo này là dấu hiệu mới nhất cho việc Moscow và Tehran đang chuẩn bị cho một thỏa thuận vũ khí lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước sau khi các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran được dỡ bỏ. Ngay khi sắc lệnh dỡ bỏ cấm vận đối với Tehran được thông qua tại Vienna vào tháng 7/2015 Nga gần như ngay lập tức có các động thái sẵn sàng bán hoặc chuyển giao các phi đội máy bay tiêm kích MiG và Sukhoi của nước này cho Iran quốc gia đồng minh thân cận với Moscow tại Trung Đông.
Cho dù lệnh cấm vũ khí thông thường của Liên Hợp Quốc đối với Iran được gỡ bỏ nhưng các lệnh trừng phạt khác đối với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của nước này vẫn còn hiệu lực ít nhất là 5 năm nữa. Bên cạnh đó đối với các hợp đồng mua bán vũ khí thông thường của Iran với một quốc gia khác cũng bị hạn chế với một số loại vũ khí nhất định và chúng chỉ được thông qua nếu có sự đồng ý của Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc.
Dù còn khá nhiều hạn chế nhưng đây vẫn là cơ hội lớn cho Iran sau nhiều thập kỷ chịu lệnh cấm vận từ Mỹ và Liên Hợp Quốc cho phép nước này có thể mua sắm các trang thiết bị quân sự mới nhằm tăng cường năng lực quân sự cũng như hiện đại hóa kho vũ khí đã lỗi thời.
Thành công của Su-30MKI tại Ấn Độ có thể là động lực khiến Iran muốn sở hữu dây chuyền lắp ráp Su-30 tại nước này. |
Trong khi đó Không quân Iran đang đứng trước yêu cầu cấp thiết về việc tái cơ cấu lại phi đội máy bay chiến đấu già nua và lỗi thời luôn trong tình trang hoạt động cầm chừng của mình. Phần lớn trong số đó được mua từ Mỹ vào đầu những năm 1970 hoặc là chiến lợi phẩm từ Iraq trong chiến dịch quân sự “Bão táp sa mạc” vào năm 1991.
Trước cuộc cách mạng Hồi giáo Iran vào năm 1979, Mỹ là quốc gia duy nhất cung cấp các máy bay chiến đấu và vận tải quân sự cho Không quân Hoàng gia Iran với khoảng hơn 500 máy bay các loại thuộc hàng hiện đại nhất vào thời điểm đó. Trong đó có thể kể tới như máy bay tiêm kích đa năng F-14A Tomcat, cường kích F-4, tiêm kích hạng nhẹ F-5, máy bay vận tải quân sự C-130E Hercules và nhiều loại máy bay quân sự khác.