Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Công ty Điện lực Nam Từ Liêm. |
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Thắng – Trưởng Ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, trong những năm gần đây, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời được đánh giá là rất có tiềm năng tại Việt Nam. EVN HANOI đã cho triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại trụ sở Tổng công ty, Trung tâm sửa chữa điện nóng (Hotline), Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, các trạm biến áp 110 – 220 kV… Việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời sẽ góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Hà Nội. |
Nhờ vào việc tận dụng diện tích mái nhà tại các Công ty Điện lực trên địa bàn Hà Nội, EVN HANOI đã triển khai lắp đặt giảm chi phí và lượng điện năng tiêu thụ tại trụ sở và các Trạm biến áp, góp phần giảm công suất nguồn cho lưới điện Hà Nội, đồng thời, khi lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái sẽ che được việc chiếu nắng trực tiếp từ mặt trời vào các tòa nhà, công sở.
Ông Thắng cho biết, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái là một phát minh vĩ đại của thế giới, đối với khách hàng tại Thủ đô, khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, đầu tiên sẽ giảm sự lệ thuộc vào hệ thống năng lượng hiện phổ thông như lưới điện quốc gia. Nhờ đó, có nhiều phương án lựa chọn khi hệ thống điện có sự cố ngắn hạn trong những ngày thời tiết nắng nóng cực đoan. Tiếp theo, điện mặt trời sẽ giúp giảm chi phí năng lượng về tầm nhìn lâu dài cho doanh nghiệp. Cuối cùng là chung tay góp sức vì một xã hội sử dụng năng lượng sạch, giảm bớt gánh nặng cho các nhà máy điện khi mà các nguồn tài nguyên như than đá, thủy điện đang dần cạn kiệt.
Với giá thành hợp lý, đa dạng sản phẩm và tiện nghi về mẫu mã, hệ thống điện mặt trời áp mái đang ngày càng phát triển để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, hướng tới phát triển năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng quốc gia.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp đặt cho hộ gia đình – (Nguồn ảnh: Bách Khoa Tech). |
Theo chuyên trang Hệ thống tự động hóa - Đại học Bách khoa Hà Nội, hệ thống năng lượng mặt trời là hệ thống chuyển năng lượng mặt trời (bức xạ ánh sáng và nhiệt) sang dạng năng lượng cần sử dụng. Hệ thống năng lượng mặt trời gồm các tấm panel pin mặt trời được làm từ vật liệu bán dẫn có chức năng chuyển hóa năng lượng bức xạ nhiệt sang năng lượng điện.
Công suất phát của nguồn điện phụ thuộc hoàn toàn vào cường độ ánh sáng mặt trời và diện tích của tấm panel điện. Năng lượng mặt trời chuyển hóa thành năng lượng điện thông qua các tấm panel pin và được sử dụng trực tiếp như chiếu sáng, phục vụ các thiết bị trong nhà. Nếu điện mặt trời dư thừa thì có thể dự trữ vào Ác quy hoặc bán lại điện cho các Công ty Điện lực.
Biểu mẫu đăng ký mua bán Điện mặt trời áp mái theo quy định. |
Để thuận tiện cho việc thực hiện các trình tự đăng ký mua bán Điện mặt trời áp mái, EVN HANOI cung cấp biểu mẫu đăng ký căn cứ Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện áp dụng cho các dự án điện mặt trời và thông tư số 05/2019 ngày 11/3/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017.
Đối tượng áp dụng theo quy định là các tổ chức, cá nhân là khách hàng đang mua điện trực tiếp của đơn vị điện lực, có lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có nhu cầu bán lượng điện dư cho Công ty Điện lực; Các tổ chức, cá nhân có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có nhu cầu bán lượng điện dư cho Công ty Điện lực.
Khi đăng ký nhu cầu, chủ đầu tư cần cung cấp thông tin ban đầu về địa điểm và công suất dự kiến lắp đặt của dự án điện mặt trời áp mái, mã khách hàng sử dụng điện (nếu là khách hàng đang mua điện của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam) để tiện liên hệ và khảo sát đấu nối.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà - Ảnh minh họa |
Bà Nguyễn Thị Hòa – phường Mỹ Đình 2 – quận Nam Từ Liêm – Hà Nội cho biết, sau khi lắp hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, sau khoảng 2 tháng, nhiều gánh năng chi tiêu trong gia đình bà đã được giảm bớt. Trước khi lắp hệ thống điện mặt trời, gia đình bà phải chi trả số tiền điện là hơn 1 triệu đồng, hiện tại chỉ phải trả khoảng 600-700 nghìn đồng/tháng đối với điện sinh hoạt trong gia đình.
Với hệ thống điện mặt trời hòa lưới, nếu điện năng tạo ra bằng nhu cầu tiêu thụ của tòa nhà, tòa nhà sẽ nhận điện hoàn toàn từ năng lượng măt trời này. Khi công suất từ nguồn điện mặt trời nhỏ hơn nhu cầu tiêu thụ, tòa nhà sẽ nhận thêm nguồn điện từ lưới. Nếu công suất điện mặt trời lớn hơn công suất tiêu thụ, phần điện năng dư thừa sẽ được phát lên lưới điện quốc gia. Trong trường hợp mất điện lưới thì hệ thống điện mặt trời hòa lưới sẽ tự động được cách ly để đảm bảo an toàn cho lưới điện.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời. Trong đó, việc ứng dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời lắp mái để sản xuất điện sẽ góp phần giúp các gia đình, doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện và giảm áp lực cung ứng điện cho ngành Điện, đặc biệt là vào mùa nắng nóng.