Vài tuần nay, tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, vải thiều được bày bán khá nhiều, tuy nhiên giá cả rất "vô cùng".
Tại chợ dân sinh, giá bán dao động từ 50.000- 80.000/kg. Người bán nói Do vải đầu vụ nên giá khá cao. Tại các siêu thị, giá vải thiều bán từ 75.000- 90.000 đồng/kg.
Trong khi đó, nhiều hàng tại chợ lẻ, xe bên đường có nơi bán giá chỉ 30.000 mỗi kg vải quả đầu mùa.
Thời điểm này, vải thiều Bắc Giang bán tại vườn đang dao động từ 45.000- 55.000 đồng/kg. |
Theo nhân viên bán hàng, do vải đầu mùa và được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng ngon nên giá cao hơn so với vải đang bán trên thị trường.
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Hạnh bán hoa quả cũng cho biết, khoảng hơn chục ngày nữa khi vải thiều bước vào chính vụ thu hoạch thì giá sẽ rẻ hơn, còn bây giờ vẫn là vải sớm nên đắt.
“Mấy hôm nay giá 60.000/kg đã là khá rẻ vì cách đây khoảng 1 tuần tôi còn bán 90.000 đồng/kg, thậm chí đợt đầu tháng 5, giá vải thiều còn trên cả trăm nghìn”, chị Hạnh cho hay.
Nói về giá vải thiều năm nay, ông Nguyễn Văn Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, dự báo năm nay giá vải thiều sẽ cao hơn so với năm ngoái do sản lượng giảm. Cụ thể, hiện nay giá vải thiều chín sớm bán tại vườn dao động từ 45.000- 55.000 đồng/kg.
“Nếu ở Hà Nội bán vải thiều với giá 30.000 hoặc dưới mức giá trên thì đó không phải là vải thiều Bắc Giang bởi mua tận vườn đã không có mức giá 30.000 rồi”, ông Phương cho hay.
Cũng theo ông Phương, vụ vải thiều năm nay của tỉnh Bắc Giang, dù sản lượng dự báo giảm do điều kiện thời tiết không thuận lợi nhưng bù lại diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP được mở rộng.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2019, tỉnh duy trì trồng gần 28.500 ha, sản lượng ước khoảng 150.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 25/5 đến 10/6, vải chính vụ từ 05/6 đến 05/7. Đáng chú ý, năm nay, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt gần 14.000 ha, tiêu chuẩn GlobalGAP 218 ha tại Lục Ngạn.
“Đặc biệt, lần đầu tiên tại Bắc Giang cũng như cả nước có vải thiều hữu cơ, với diện tích khoảng 20ha được trồng tại huyện Lục Ngạn”, ông Phương cho hay.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, vải thiều sẽ được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh duy trì các thị trường đã có, vụ vải thiều này sẽ tăng xuất khẩu sang: Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia…
Ở thị trường trong nước sẽ tập trung tiêu thụ ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá ở miền Trung.
Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn, thời điểm hiện nay mới chỉ chuẩn bị bước vào thu hoạch vải thiều chín sớm (chưa phải chính vụ) nhưng đã có hàng trăm thương lái Trung Quốc, các doanh nghiệp, tiểu thương từ các chợ đầu mối lớn trong nước đến huyện Lục Ngạn để khảo sát, đánh giá chất lượng, chuẩn bị thu mua vải.
Năm nay, toàn bộ diện tích 15.300ha vải thiều của Lục Ngạn đã được Trung Quốc cấp 36 mã số vùng trồng, cấp tem xuất khẩu. Bởi theo quy định mới của thị trường xuất khẩu, từ năm 2019, các sản phẩm trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải có tem nhãn chứng nhận xuất xứ để tiện truy xuất nguồn gốc khi cần. Vì vậy, chính quyền cùng với doanh nghiệp đang khẩn trương, tạo mọi điều kiện, thủ tục thông thoáng nhất để thực hiện yêu cầu này.
Năm 2018, vải thiều Bắc Giang được mùa chưa từng có, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh đã xuất bán 215 ngàn tấn vải thiều thu về gần 5.800 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ vải đạt khoảng 3.500 tỷ, còn lại là doanh thu từ các ngành dịch vụ phụ trợ.