Hoạt động trong giới showbiz, nhiều khán giả và đồng nghiệp đều biết NTK Đỗ Mạnh Cường có một cậu con trai nuôi được anh đặt tên là Đỗ Hoàng Phúc. Anh dành rất nhiều tình cảm, sự yêu thương cho cậu con trai bé nhỏ của mình bằng việc chia sẻ những hình ảnh cùng những dòng viết xúc động trên trang cá nhân.
Tuy nhiên, ít người biết rằng, NTK sinh năm 1981 mới chính thức trở thành cha của cậu bé sau một thời gian dài kiên trì để được nhận cậu bé về nuôi. NTK Đỗ Mạnh Cường được làm cha hợp pháp của bé Nhím - Đỗ Hoàng Phúc từ ngày 7/8.
NTK sinh năm 1981 đã có những chia sẻ về câu chuyện riêng của mình với VietNamNet.
- Anh đã chính thức trở thành cha của bé Nhím (tên thường gọi của bé Đỗ Hoàng Phúc). Điều gì đã thôi thúc, giúp anh quyết tâm được gắn bó và làm cha của bé Nhím?
Điều đó xuất phát từ tình thương của tôi dành cho con thôi. Mỗi lần mình gặp con, sự quấn quýt của nó, tôi rất thương mỗi lần mình xa con vì nó khóc nhiều. Điều này khiến tôi càng quyết tâm và cố gắng để nhận nuôi bé sớm hơn.
- Điều gì ở bé Nhím khiến anh ấn tượng và muốn gắn bó ngay từ giây phút đầu tiên anh gặp bé?
Điểm đặc biệt nhất của Nhím là nụ cười rất tươi. Lúc nào con cũng cười, mở mắt ra là cười, nhắm mắt cũng cười. Nhím là đứa trẻ vui vẻ và mang lại niềm vui cho người khác và có nhiều thứ đặc biệt.
Con ngoại giao rất tốt. Khi bước vào đám đông, con chủ động giao tiếp với những người xung quanh chứ không rụt rè như những đứa trẻ khác. Nhím rất hài hước và hay làm cho mọi người cười, lại thông minh, có trí nhớ rất tốt, trí tưởng tượng phong phú.
Thời gian tôi tiếp xúc với con không nhiều nhưng mọi chuyện hầu như tôi chỉ nói một lần thôi là con nhớ. Nhím sống ở trong chùa nhưng đôi khi cảm giác của tôi con còn lanh hơn đứa trẻ bên ngoài nữa. Cái gì con cũng biết.
Nụ cười đáng yêu và ấn tượng của bé Nhím. |
- Nhím có điều gì giống anh khi còn nhỏ không?
Nhím không giống tôi hồi bé. Hồi bé, tôi nhút nhát và không hay cười. Tính cách khác nhau như vậy nhưng tôi không lo lắng điều gì khi hai cha con sống chung vì tôi nghĩ rằng tính cách khác nhau đôi khi trở thành sức hút của nhau.
Cơ bản, tính cách khác nhau nhưng tôi vẫn thương Nhím và con cũng rất thương bố. Thường những người có tính cách khác nhau thường gắn bó với nhau nhiều hơn, người này thiếu thì bù trừ cho người kia.
Được ở bên con là điều vô cùng hạnh phúc với Đỗ Mạnh Cường. |
- Anh đã có định hướng gì trong tương lai cho bé Nhím?
Tôi muốn con phát triển tự nhiên, không muốn ép buộc con cái theo ý mình mong muốn. Tôi chỉ muốn sau này khi Nhím bắt đầu đi học, mình biết về con nhiều hơn, quan sát biểu hiện và hướng theo sở thích đó.
Sống trong môi trường với mình, con tiếp xúc với nghề nhiều thì có thể sẽ theo nghệ thuật, theo nghề của mình. Tuy nhiên, con không thích thì mình cũng không thể ép con được.
- Ngày đầu tiên về một nhà, anh có kế hoạch gì đặc biệt cho Nhím?
Kế hoạch đầu tiên là Nhím phải đi học vì tôi đã đăng ký học cho con. Tôi đã đưa con đến trường gặp bạn, để con làm quen xem có thích hay không.
Bé Nhím cùng NTK Đỗ Mạnh Cường tham gia một sự kiện thời trang. |
- Với công việc bận rộn như hiện tại, làm sao để anh có thể dành nhiều thời gian chăm sóc cho bé Nhím được?
5 năm vừa qua, tôi rất bận nhưng tuần nào cũng dành thời gian xuống thăm Nhím. Lúc Nhím còn nhỏ, 1 tuần tôi xuống 2-3 lần (bé Nhím sống trong chùa - PV), mà đi hết 1 tiếng, về hết 1 tiếng, chơi với con được 1-2 tiếng. Thế nên, việc thăm con chiếm rất nhiều thời gian nhưng tôi vẫn làm được.
Khi sống cùng với nhau, tôi sẽ có nhiều thời gian cho Nhím hơn. Sáng tôi đưa con đi học rồi làm việc. Chiều tôi đón con rồi đưa đi chơi. Tối đến, tôi có nhiều thời gian cho Nhím mà. Dù có bận đến mấy thì tôi vẫn sắp xếp thời gian cho con chứ không để mặc được.
- Bây giờ, bé Nhím còn nhỏ chưa tiếp xúc với truyền thông, mạng xã hội. Anh có thấy lo lắng khi Nhím lớn hơn một chút, bé biết về việc mình được nhận nuôi sẽ buồn không?
Đó là quan niệm của người Việt Nam mình thôi. Tôi đi học ở nước ngoài và biết nhiều bạn là con nuôi rất lạc quan. Các bạn sớm nhận thức được mình không được bố mẹ đẻ nuôi nhưng lại có một tình thương rất lớn từ cha mẹ nuôi.
Về cơ bản, tôi thấy không có khác gì nhau hết. Mọi người đừng quá quan trọng ruột thịt hay người bên ngoài. Nếu tôi có suy nghĩ đó thì đã không nhận nuôi Nhím.
Tôi không muốn giấu giếm chuyện này để sau con lớn, con sẽ hiểu chuyện nhận con nuôi không phải là bất hạnh. Bố mẹ ruột còn đối xử với con cái không tốt, mình là bố mẹ nuôi mà đối xử tốt và yêu thương thì chẳng có lý do gì con phải buồn.
Nhím là đứa trẻ rất lạc quan, khi con biết được chuyện, tôi cũng sẽ giải thích nên không có gì phải giấu giếm. Đôi khi, mình càng giấu con càng tò mò và càng ức chế hơn.
Tôi nhận nuôi con nhưng tôi không có suy nghĩ sau này con nuôi dưỡng lại mình. Ở thời điểm hiện tại, mình muốn nuôi và giúp con. Sau này, nếu con muốn nhận lại bố mẹ ruột thì tôi vẫn sẵn sàng tôn trọng quyết định của con. Tôi cũng chẳng đau buồn gì hết.
- Phụ nữ đơn thân chăm sóc con nhỏ cũng rất nhiều khó khăn. Là cha đơn thân, anh cảm thấy có khó khăn gì khi chăm sóc con nhỏ như vậy hay cần thêm sự hỗ trợ của ai khác không?
Nhím là đứa trẻ quá ngoan. Con không quấy, khi ăn uống hay ngủ, mọi thứ sinh hoạt rất dễ dàng. Tôi không cảm giác mệt mỏi vì chuyện đó. Đến giờ thì ăn, đến giờ thì ngủ, ốm cũng không mè nheo nên rất dễ nuôi.
Công việc nhiều và căng thẳng, việc nuôi một đứa trẻ mà con hư hay quậy phá thì rất áp lực. Nhưng tôi không gặp khó khăn khi nuôi Nhím. Nhím bị sún răng nên thường ăn cháo, bún, các đồ ăn mềm cho dễ tiêu hoá.
- Nhiều người bỏ rơi con cái vì các lý do khác nhau và đều bị xã hội lên án. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Có điều này tôi muốn nói, không chỉ cho riêng bố mẹ ruột của Nhím mà là cho mọi người nói chung. Tôi rất sợ phụ nữ phá thai là một, bỏ con là hai. Tôi hiểu là có nhiều lý do để họ làm vậy nhưng mình phải ý thức chuyện này ngay từ đầu.
Nếu không muốn sinh những đứa trẻ này ra thì nên có những biện pháp, đừng để chuyện đó xảy ra. Nếu lỡ có rồi thì mình nên trân trọng chuyện đó vì có con là niềm hạnh phúc rất lớn nên mình đừng từ chối con của mình. Điều đó rất đáng buồn.
Tôi hy vọng người lớn biết suy nghĩ, trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động của mình vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của đứa trẻ. Đôi khi, đứa trẻ gặp được gia đình tốt thì không sao, nhưng nếu không may, chúng phải chịu cuộc sống bơ vơ, lang thang. Thực sự rất tội nghiệp.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!