Thế giới ngày càng bất ổn với những vụ khủng bố, bắt cóc con tin ở nhiều nơi. Qua loạt bài này, mời bạn đọc cùng nhìn lại những vụ bắt cóc con tin lớn nhất thế giới, và cách các nước xử lý những vụ khủng hoảng như vậy.
Ngày 4.4.2006, đúng 15 năm sau vụ khủng hoảng con tin lớn nhất lịch sử Mỹ, một người đàn ông đã đến thăm và đặt hoa trước cửa hàng Good Guys. Đó là Charlie Rangel, một nạn nhân trong cửa hàng tối 4.4.1991, bị bắn 2 phát vào chân và mắt cá chân. Các vết thương không hồi phục được hoàn toàn, và Charlie bị hội chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý). (Ảnh: Alamy) |
Vụ bắt cóc con tin được cho là lớn nhất lịch sử nước Mỹ, xảy ra ngày 4.4.1991 tại một cửa hàng đồ điện tử ở Sacramento, thủ phủ bang California.
Trước 2h chiều ngày 4.4.1991, bốn thanh niên người Việt tị nạn gồm 3 anh em ruột Nguyen Khac Loi, 21 tuổi, Pham Khac Nguyen, 19 tuổi, và Nguyen Khac Long, 17 tuổi, và bạn của họ, Tran Cương, lái xe vào bãi xe của cửa hàng đồ điện tử The Good Guys! ở khu vực phía nam Sacramento, sau khi đã thực hiện xong một vụ cướp ở nơi khác.
Nhóm thanh niên thuộc băng Oriental Boys (Những gã trai phương Đông) bước xuống từ chiếc xe Toyoto Corolla rồi xông vào cửa hàng với 3 khẩu súng lục và 1 khẩu súng săn. Chúng lùa tất cả khách hàng và nhân viên cửa hàng thành một nhóm rồi bắt đầu nổ súng.
Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi một cảnh sát bắn tỉa từ bãi đỗ xe nghĩ rằng mình đã có tầm nhìn tốt nên bắn qua cửa chính của cửa hàng, và hậu quả là viên đạn trúng cửa.
Khi đó, cánh cửa chính đang mở vì một con tin đi ra lấy áo chống đạn đưa cho các tay súng theo yêu cầu của chúng. Nhóm bắt cóc đòi áo chống đạn trong một cuộc thương lượng lộn xộn dẫn đến việc phải đổi nhóm chuyên gia thương lượng, người phiên dịch và danh sách yêu cầu.
Khi viên đạn của cảnh sát bắn trúng cửa, một tay súng bên trong cửa hàng Good Guys tự động nã súng vào con tin từ tầm bắn rất gần. Tay súng đó và hai đồng bọn bị cảnh sát ẩn trong cửa hàng bắn hạ. Trước đó, một số cảnh sát chui qua nóc nhà vào cửa hàng và ẩn trong nhà kho phía sau.
Tay súng thứ tư sống sót sau trận đấu súng và được đưa vào bệnh viện Sacramento trong trạng thái bất tỉnh, rồi sau đó bị buộc tội.
Một số con tin bị bắt đứng trước cửa kính. |
Trong cuộc họp báo sau đó, cảnh sát trưởng Glen Craig cho biết Oriental Boys là một trong nhiều băng nhóm tội phạm châu Á ở Mỹ đang khiến tình hình tội phạm ở nước này trở nên phức tạp trong thời gian đó.
Ông Craig cho biết nhóm Oriental Boys đã mua súng một cách hợp pháp tại một cửa hàng dụng cụ thể thao một tuần trước đó, sau khi đã được kiểm tra lý lịch và chờ đợi 15 ngày đúng theo quy định của luật bang California.
Ông Craig cho biết sau khi nhận được điện thoại từ nhân viên cửa hàng qua số khẩn cấp 911 trong ngày xảy ra vụ việc, cảnh sát nghĩ rằng đó chỉ là vụ cướp đơn thuần. Nhưng những cuộc phỏng vấn với nhiều người trong số 38 nạn nhân sống sót thì họ mới biết rằng mục đích của nhóm tội phạm không phải để cướp tài sản.
“Chúng muốn nổi tiếng”, ông Craig nói. Cảnh sát này cho biết các tay súng đã nói với nhóm chuyên gia thương lượng và con tin rằng chúng không hài lòng với cuộc sống ở Mỹ vì khó tìm việc làm và chúng muốn nổi tiếng như các “minh tinh màn bạc” nếu cuộc khủng hoảng con tin này được truyền hình trực tiếp.
Quá trình thương lượng diễn ra qua điện thoại. Trong cuộc thương lượng đầu tiên, nhóm bắt cóc đòi được cung cấp 4 triệu USD, 4 áo chống đạn, một trực thăng và một cây gừng 1.000 năm tuổi để làm trà.
“Chúng tôi không thể khiến chúng tập trung vào một yêu cầu”, ông Craig nói. Nhưng sau nhiều lần thương lượng, các tay súng quan tâm nhất đến áo chống đạn.
Trước đó, một trung sĩ cảnh sát bên ngoài cửa hàng đã đưa một áo chống đạn để đổi lấy việc thả một con tin nữ và hai trẻ nhỏ. Sau đó, 3 đứa trẻ và 2 phụ nữ được thả và một người đàn ông nữa được tha để chuyển thông điệp cho cảnh sát.
Tay súng đứng ngoài cùng bên phải bắt đầu bắn các con tin bị trói dưới sàn cửa hàng Good Guys trong khi khói lựu đạn hoặc hơi cay bao trùm khu vực. (Ảnh: Bryan Patrick) |
Khi trời tối, khu bãi đỗ xe của cửa hàng không được thắp đèn để cảnh sát có thể nhìn rõ bên trong. Mẹ và em họ của một tay súng đứng bên ngoài, một nhà sư luôn trực sẵn trên điện thoại để hỗ trợ, nhưng nhóm bắt cóc từ chối nói chuyện với tất cả họ. Vì khi đó chưa có thương vong gì xảy ra nên cảnh sát lạc quan rằng vụ vây hãm sẽ kết thúc trong yên bình.
Nhưng tình hình bất ngờ chuyển hướng bạo lực từ khoảng 9h tối, khi một tay súng bắn một con tin vào chân và bắt anh này ra ngoài để nêu yêu cầu của chúng trước máy quay của một đài truyền hình địa phương. Cảnh sát cho biết họ hy vọng các tay súng sẽ bận rộn với việc theo dõi tin trên trên hàng chục kênh truyền hình nên dễ bị bắn tỉa.
Cùng lúc đó, quá trình thương lượng đổi áo chống đạn lấy con tin vẫn tiếp diễn. Một áo chống đạn thứ hai được thả ngay ngoài cửa sổ, nhưng thay vì thả 9 con tin như đã hứa, các tay súng bắn một con tin khác. Cảnh sát quyết định đã đến lúc phải hành động.
Một tay súng bắn tỉa nổ súng vào nhóm bắt cóc khi cửa mở ra. Nhưng viên đạn trúng cửa. Trong tiếng cửa kính vỡ và súng nổ - tất cả đều được truyền hình trực tiếp – một tay súng bắt các con tin xếp hàng rồi bắn từng người một ở cự ly gần. 3 con tin đã thiệt mạng và 10 người khác bị thương.
Tay súng này và hai đồng bọn bị cảnh sát bắn hạ từ phía nhà kho phía sau. Tay súng sống sót là kẻ đang mặc áo chống đạn mà cảnh sát cung cấp trước đó.
Vụ vây hãm kết thúc. Các thủ phạm bị nhầm là người Thái, nhưng sau đó được xác nhận lại là người Việt gốc Hoa.
Năm 2011, 20 năm sau cuộc vây hãm, cựu cảnh sát John McGinnes, một thành viên trong lực lượng giải cứu, nói rằng yêu cầu của những thủ phạm trong vụ khủng hoảng con tin lớn nhất lịch sử nước Mỹ đó thật “điên rồ”. Nhưng vụ này đóng vai trò định hình chiến lược thực thi pháp luật của cảnh sát Mỹ từ đó đến nay.
Giới phân tích trên khắp nước Mỹ xem xét từng chi tiết nhỏ nhất trong vụ khủng hoảng để vạch ra các chính sách và chiến lược đối phó của cảnh sát trong những vụ khủng hoảng tương tự, ví dụ như khi nào và bằng cách nào nên thương lượng và những quy định cụ thể liên quan đến việc bắn tỉa.