Bá quyền: Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo"
Kể từ thời Mao Trạch Đông tới nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn thường lên án chủ nghĩa bá quyền dưới mọi hình thức. Trên thực tế từ “bá quyền” được Trung Quốc sử dụng để lên án cho tất cả các quốc gia hay những hành động mà Trung Quốc không thích.
Nhưng ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục lên án chủ nghĩa bá quyền, nước này lại đang có hành động thể hiện tư tưởng đó. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thể hiện tư tưởng đó khi nêu ra khái niệm an ninh mới của Bắc Kinh tại Hội nghị thượng đỉnh về hợp tác và niềm tin ở châu Á (CICA) tổ chức ở Thượng Hải vừa qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về hợp tác và niềm tin ở châu Á (CICA) tại Thượng Hải ngày 21/5/2014. |
Nhà phân tích David Cohen cho rằng khái niệm này có rất nhiều tầng lớp ý nghĩa tuy nhiên, tư tưởng cốt lõi của khái niệm này là “an ninh ở châu Á phải do người châu Á bảo vệ”.
Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc cho rằng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình "phản đối sự can thiệp vào khu vực từ bên ngoài”. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình cũng lên án việc hình thành các liên minh trong khu vực.
Việc Trung Quốc muốn khu vực châu Á – Thái Bình Dương không có bóng dáng Mỹ là điều dễ hiểu. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh, Mỹ ngày càng trở thành vật cản lớn nhất của Bắc Kinh ở khu vực này. Do đó, nếu Mỹ rút khỏi châu Á – Thái Bình Dương, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ được tăng cường đáng kể. Nếu các mối quan hệ đồng minh trong khu vực kết thúc, Trung Quốc có thể dựa vào sức mạnh vượt trội để giành thế lấn át trong các mối quan hệ song phương ở châu Á.
Nếu Mỹ rút khỏi khu vực, Trung Quốc có thể dựa vào sức mạnh vượt trội để giành thế lấn át ở châu Á. |
Đồng thời, bản thân khái niệm an ninh mới rõ ràng là tư tưởng bá quyền. Trước hết, các mục tiêu của khái niệm này – Mỹ rút khỏi châu Á và các mối quan hệ đồng minh chấm dứt – sẽ đảm bảo vị thế thống trị của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, các mục tiêu trên của Trung Quốc đang đi ngược lại mong muốn của đa số quốc gia châu Á. Chỉ một mình Trung Quốc muốn Mỹ rút lui khỏi châu Á. Các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác ngoại trừ Triều Tiên đều muốn Mỹ duy trì hiện diện trong trật tự an ninh khu vực. Thực tế, hầu hết các nước đều muốn Mỹ đóng vai trò lớn hơn đối với an ninh châu Á. Bên cạnh việc củng cố quan hệ với Mỹ, các quốc gia châu Á cũng đang củng cố mối quan hệ với nhau.
Gần đây, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam cũng như gửi thêm các giàn khoan ra Biển Đông cũng có thể được coi là hành vi thể hiện tư tưởng bá quyền muốn độc chiếm Biển Đông của nước này.
Sử dụng kinh tế để hiện thực "bá quyền"
Một thể chế thể hiện tham vọng bá quyền ngày càng lớn của Trung Quốc là Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Đây một thể chế phát triển “đa phương” đang được Trung Quốc vận động để thay thế Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), hai thể chế tài chính mà Trung Quốc coi là “lãnh địa” của Mỹ và Nhật Bản.
Nhìn bề ngoài, AIIB không “xấu xa” như khái niệm an ninh mới. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ sẽ thấy AIIB thực chất mang tham vọng tương đương với khái niệm an ninh mới.
Trong bối cảnh Quốc hội Mỹ kiên quyết yêu cầu thực thi các cải cách đối với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), việc Trung Quốc muốn “hất cẳng” Ngân hàng thế giới là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh khăng khăng “hắt hủi” ADB thay vì thể hiện vai trò lớn hơn trong thể chế này bằng cách tăng nguồn vốn đóng góp là điều khó chấp nhận. Thực ra nếu gắn bó mật thiết hơn với ADB, Trung Quốc sẽ thể hiện cho các quốc gia thấy nước này muốn đóng vai trò lớn hơn để duy trì chứ không phá bỏ trật tự hiện nay.
Trung Quốc muốn thành lập một ngân hàng quốc tế làm “đối thủ” của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). |
Trên thực tế, Trung Quốc lựa chọn con đường thứ hai, theo đuổi việc xây dựng AIIB. Cũng giống như khái niệm an ninh mới, Trung Quốc tạo dựng AIIIB với tham vọng bá quyền tuyệt đối. Cụ thể, có các báo cáo rằng Trung Quốc đang tìm cách “cấm cửa” Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ gia nhập AIIB. Điều đó có nghĩa là thể chế này – mặc dù được gọi là đa phương – sẽ chủ yếu do Trung Quốc cấp vốn.
Ông Oliver Rui - giáo sư về tài chính và ngân hàng tại ĐH Kinh tế Quốc tế Trung Quốc – châu Âu ở Thượng Hải, nhận định rằng: “Trung Quốc muốn đóng vai trò trung tâm trong các thể chế này, do đó con đường tốt nhất cho nước này là tự thành lập một tổ chức riêng. Mục tiêu của Trung Quốc là làm đối trọng với Nhật Bản và Mỹ”.
Các tham vọng bá quyền của Trung Quốc cũng thể hiện qua cách Bắc Kinh tạo dựng AIIB. Tờ Financial Times dẫn lời một người tham gia vào các cuộc họp về AIIB cho hay: “Các quốc gia châu Á tỏ ra khá quan tâm tới AIIB nhưng Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục kế hoạch này ngay cả khi không quốc gia nào tham gia”.
Mặc dù không thể phủ nhận các lợi ích song phương của AIIB nhưng bản chất của thể chế này là sự bá quyền. Có nghĩa là Trung Quốc muốn xây dựng các thể chế hoạt động ở khắp châu Á để thắt chặt quan hệ kinh tế giữa các nước láng giềng nhỏ bé hơn với nước này. Như những gì Trung Quốc đã thể hiện trong các cuộc tranh chấp chủ quyền với các nước như Nhật Bản, Malaysia và Philippines, Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng lợi dụng sự lệ thuộc về kinh tế của các nước khác để buộc họ nhượng bộ về chính trị.
Có lẽ, biểu hiện rõ nét nhất cho tham vọng bá quyền của Trung Quốc là buộc các quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài phục vụ cho các lợi ích của nước này. Đôi khi điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Từ lâu Trung Quốc gây sức ép buộc các nước Nam Á và Đông Nam Á trục xuất người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh gia tăng sức ép về các vấn đề ngày và đáng chú ý nhất, Trung Quốc được coi đã đứng đằng sau các điều luật của Nepal về người Tây Tạng.
Trên bình diện rộng lớn hơn, Trung Quốc đang buộc các công ty nước ngoài phải phục vụ cho lợi ích của nước này. Bắc Kinh thường dùng biện pháp đe dọa ngăn chặn các công ty này gia nhập thị trường tiêu dùng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Kết quả là, các sản phẩm của Hollywood và các ấn phẩm truyền thông quốc tế ngày càng trở nên lệ thuộc vào Bắc Kinh. Khi thị trường tiêu dùng nội địa của Trung Quốc lớn mạnh, những sức ép này cũng sẽ tăng lên.
Lịch sử đã chứng minh, khi càng mạnh, các cường quốc mới nổi sẽ càng có tham vọng bá quyền. Một thời Mỹ đã lên án châu Âu vì can thiệp vào các quốc gia khác. Tuy nhiên, đến thời kỳ Chiến tranh lạnh, chính Mỹ lại trở thành quốc gia can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thuộc thế giới thứ Ba và sự can thiệp thậm chí còn mạnh mẽ hơn các đế quốc thực dân trước đó như Anh, Pháp.
Do đó, khó có thể kỳ vọng Trung Quốc từ bỏ tham vọng bá quyền. Tuy nhiên, việc Trung Quốc lên án tư tưởng mà nước này cho là bá quyền của các quốc gia khác ngày càng trở thành những hành động đạo đức giả.