Hãng thông tấn Sputnik dẫn nguồn thông cáo báo chí của nhà máy chế tạo máy bay Aviakor cho biết, nhà máy này đã bắt đầu chuyển giao cho Không quân Nga biến thể hiện đại hóa đầu tiên của máy bay ném bom Tu-95, được định danh là Tu-95MSM.
Theo Alexei Gusev - người đứng đầu nhà máy Aviakor tiết lộ, chương trình hiện đại hóa Tu-95 giúp nâng cao đáng kể khả năng tác chiến của dòng máy bay ném bom chiến lược lâu đời nhất của Không quân Nga cũng như cải thiện điều kiện hoạt động cho phi hành đoàn khi thực hiện nhiệm vụ trên không.
Không quân Nga sẽ nâng cấp toàn bộ phi đội Tu-95 của nước này lên biến thể Tu-95MSM trong giai đoạn từ nay cho đến 2020. |
Chiếc Tu-95MSM trên được đặt tên là Dubna (một thị trấn nhỏ nằm ở ngoại vi Moscow), quá trình nâng cấp một chiếc Tu-95MSM mất ít nhất khoảng 3 tháng. Hiện tại, nhà máy Aviakor đang nâng cấp chiếc Tu-95 thứ hai và nó cũng sẽ được chuyển giao cho Không quân Nga trong năm nay.
Cũng vào cuối năm nay, Không quân Nga cũng sẽ bàn giao cho Aviakor chiếc Tu-95 thứ ba để nâng cấp lên chuẩn Tu-95MSM.
Biến thể Tu-95MSM được trang bị lại hệ thống liên lạc vô tuyến số mới, hệ thống định vị mục tiêu dựa trên hệ thống định vị toàn cầu GLONASS, sau khi nâng cấp nó có thể mang theo tới 8 tên lửa hành trình chiến lược Kh-101 hoặc Kh-102 có khả năng được trang bị đầu đạn hạt nhân.
Phiên bản Tu-95 trước đó chỉ có thể mang theo tối đa 6 tên lửa hành trình Kh-55 và nó được triển khai từ bên trong khoang chứa bom, trong khi đó tên lửa hành trình Kh-101 có kích thước lớn hơn hẳn so với Kh-55 do đó nó được treo hai bên cánh và dưới thân của Tu-95. Kh-101 có tầm bắn hiệu quả lên tới 5.500km và có thể thực hiện quỹ đạo bay phức tạp với độ cao bay thấp nhất là 30m nhầm tránh bị đánh chặn.
Tu-95 với các tên lửa hành trình chiến lược Kh-101. |
Kh-101 gần như vô hình với hệ thống radar đối phương với chỉ số sai lệch so với mục tiêu chỉ tầm 5m và nó được điều khiển bằng hệ thống định vị kết hợp quán tính và GLONASS. Một tên lửa hành trình Kh-101 có thể mang theo một đầu đạn nặng 400kg hoặc một đầu đạn hạt nhân có sức công phá lên tới 250kiloton.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 “Bear” được Không quân Liên Xô đưa vào trang bị từ năm 1956 và hoạt động cho tới ngày nay. Trong năm 2010, một phi đội Tu-95 của Không quân Nga đã từng thực hiện một chuyến bay tuần tra liên tục trong vòng 43 giớ với quãng đường bay lên tới 30.000km với bốn lần tiếp nhiên liệu trên không. Tu-95 cũng là dòng máy bay ném bom sử dụng động cơ cánh quạt bay nhanh nhất thế giới từng được chế tạo, sau khi nâng cấp phi đội Tu-95 của Nga sẽ hoạt động cho đến năm 2025.