Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương gửi Đại biểu Quốc hội.
Toàn bộ 12 dự án đã được thanh tra, kiểm toán
Theo báo cáo, đến nay, toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra ở các cấp độ khác nhau để phát hiện các sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp, qua đó đã từng bước làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan và đã triển khai xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp.
Cụ thể, đến nay, tất cả 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được tổ chức thanh tra ở các cấp độ Thanh tra Chính phủ, Thanh tra chuyên ngành và Thanh tra của địa phương với tổng số 24 cuộc thanh tra, trong đó có 22 cuộc đã có kết luận thanh tra. Riêng năm 2016 đã tiến hành thanh tra và đã có kết luận thanh tra đối với 5 dự án.
Nhiều cựu sếp liên quan đến dự án kém hiệu quả đã bị khởi tố, xét xử. |
“Từ 2017 đến nay đã tiến hành thanh tra 7 dự án và đã có kết luận thanh tra của 6 dự án; 1 dự án còn lại đã hoàn thành công tác thanh tra và đang hoàn thiện theo chỉ đạo của Chính phủ để công bố kết luận thanh tra (Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc)”, báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Liên quan công tác kiểm toán, báo cáo cho biết: Trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức kiểm toán và phát hành Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2017 của PVN.
Trong đó có 5 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả là Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Dự án nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi, Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước, Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ và Công ty DQS).
Dự kiến Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện trong tháng 6 năm 2019 đối với 4 dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; đồng thời tiến hành kiểm toán đối với Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình và Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước trong tháng 9/2019.
3/12 dự án bị khởi tố, điều tra
Báo cáo của Chính phủ cho hay: Bộ Công an đang làm việc với các đơn vị liên quan để thu thập tài liệu, tổ chức điều tra xác minh, củng cố chứng cứ và trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để truy tố các cá nhân có sai phạm tại 5/12 dự án, doanh nghiệp khác.
Mới đây loạt cựu lãnh đạo liên quan dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 cũng đã bị điều tra, khởi tố. |
Đó là Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Công ty DQS và Dự án mở rộng giai đoạn II Nhà máy gang thép Thái Nguyên.
Ngoài ra, đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đối với một số vấn đề phức tạp tại 3/5 dự án (gồm Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam và Dự án mở rộng giai đoạn II Nhà máy gang thép Thái Nguyên) và tiếp tục tổ chức trinh sát, nắm tình hình, điều tra, xác minh thu thập tài liệu để làm rõ các sai phạm (nếu có) tại các dự án, doanh nghiệp khác.
Đến nay, đã có 3/12 dự án đã được Bộ Công an khởi tố, điều tra, trong đó: Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã hoàn tất xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và tuyên phạt các bị cáo liên quan đến Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ tại Vụ án “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và sơ sợi dầu khí (PVTex);
Khởi tố Vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án Dự án mở rộng giai đoạn II Nhà máy gang thép Thái Nguyên
Đang mở rộng điều tra, củng cố chứng cứ liên quan đến Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tại Vụ án “Vi phạm các quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí.
Đối với dự án Đạm Ninh Bình, báo cáo nêu rõ phương hướng thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử nếu thấy có dấu hiệu vi phạm để để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm đối với phần tài sản bị thất thoát, thiệt hại do vi phạm gây ra.
Như vậy, Chính phủ nhấn mạnh: Kể từ sau Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tới nay, công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý vi phạm ở các dự án, doanh nghiệp tiếp tục được triển khai và đạt một số kết quả mới: Đã ban hành thêm được Kết luận thanh tra đối với Dự án mở rộng giai đoạn II Nhà máy gang thép Thái Nguyên và khởi tố Vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án; khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 5 đối tượng có liên quan.