Thành công ban đầu của Tiến sĩ Đinh Tấn Hưng- chuyên gia kỹ thuật hàng không dân dụng là sản phẩm máy bay 4 chong chóng ứng dụng cho quan sát.
Vốn là sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1996, Hưng được chọn sang Ukraina học ngành kỹ thuật hàng không dân dụng tại Đại học Hàng không quốc gia Kiev. Sau khi tốt nghiệp cao học với tấm bằng hạng ưu, anh tiếp tục theo đuổi luận án tiến sĩ với đề tài “Khôi phục và tái tinh chế đến 98% tính năng sử dụng các chất lỏng cách điện bằng máy phân tách sử dụng điện trường cao thế”. Đề tài này đã được ứng dụng tại Ukraine và sau khi đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam.
Sau nhiều năm học tập và làm việc tại Ukraina, Hưng đã trở về quê hương góp phần xây dựng nền móng phát triển cho Bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ của Viện Cơ khí Động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là bộ môn mới được thành lập từ 3 năm trước. Khi được hỏi vì sao lại trở về, khi một số người khác luôn mơ ước được ra đi và ở lại, Hưng chia sẻ: “Con đường nào cũng tốt miễn là phát triển được bản thân và có ích cho xã hội. Kể từ khi được cử đi học tại Kiev, tôi luôn chuẩn bị cho ngày trở về, vấn đề là thời điểm”.
Tiến sĩ Đinh Tấn Hưng |
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ với đề án tốt nghiệp về lĩnh vực bảo dưỡng máy bay và động cơ hàng không, Hưng có 2 lựa chọn, hoặc về Việt Nam Airlines làm việc hoặc tiếp tục con đường học tập. Anh quyết định ở lại Kiev học chuyên ngành quản trị kinh tế đối ngoại và làm luận án tiến sĩ.
Cuối năm 2008, Hưng bắt đầu chuyển hướng chuẩn bị trở về qua việc tham gia kinh doanh tại Việt Nam và đã về hẳn sau khi bảo vệ thành công luận án vào tháng 12/2010”.
Trưởng thành từ trải nghiệm
Những năm tháng du học, mỗi mùa hè Hưng thường đi làm thêm trong các công ty của người Việt Nam tại Kharcop, Kiev để có thu nhập và sự trải nghiệm. Năm 2001, anh tham gia dự án xây dựng Trung tâm Thương mại Railbow Plaza của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn “N-M” bắt đầu với vai trò phiên dịch, thư ký, trợ lý Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau đó, anh đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành rồi tổng giám đốc.
Vừa học vừa làm, tích lũy kinh nghiệm bằng chính sự trải nghiệm là bí quyết để Hưng thành công trong nhiều vai trò, như nhà nghiên cứu hoặc doanh nhân.
Năm 2007 khi còn ở Ukraine, anh đã cùng một số đối tác thành lập Công ty Cổ phần Happyland tại Việt Nam, chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại văn hóa và vui chơi giải trí Happyland tại Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tổng kinh phí của dự án là hơn 200 tỷ đồng, đến từ việc bán 21% cổ phần của Railbow Plaza cho Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng).
Theo dự kiến, sau khi hoàn thành (năm 2016), đây sẽ là trung tâm thương mại, văn hóa, vui chơi, giải trí quy mô lớn tại Việt Trì (hiện nay, một số hạng mục đã được đưa vào khai thác). Sau đó, năm 2009, Hưng cùng một số người bạn thành lập Công ty Cổ phần Xúc tiến Thương mại và Đầu tư ASEM.
Cuối năm 2011, sau khi nhận công tác tại Viện Cơ khí động lực, Hưng rút dần công việc điều hành và chỉ còn tham gia vào 2 công ty này với tư cách cổ đông. Anh cho biết, để dung hòa việc vừa là nhà kinh doanh, vừa là nhà sư phạm thì rất khó nên anh đã chọn cách thực hiện lần lượt. Trước đây, kinh doanh chiếm phần lớn thời gian, nhưng bây giờ nó chỉ là phương tiện để đảm bảo tài chính chăm lo cho gia đình để anh yên tâm làm công tác khoa học.
Việt Nam nên phát triển máy bay không người lái
Công việc chính hiện nay của Hưng là đào tạo, nghiên cứu, xây dựng giáo trình cho Bộ môn Kỹ thuật Hàng không và vũ trụ. Vì là một bộ môn đáp ứng đúng nhu cầu thiết thực của các hãng hàng không nên hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm ngay.
Không chỉ đảm nhận việc soạn thảo giáo trình, Hưng còn đảm nhận công việc nghiên cứu một cách say mê. Anh đang cùng các cộng sự thực hiện 1 đề tài cấp nhà nước về kỹ thuật hàng không dân dụng. Về ngành kỹ thuật hàng không và vũ trụ ở Việt Nam, anh cho rằng còn rất mới mẻ. Ở các nước phát triển, đây là 2 lĩnh vực rất quan trọng và có bề dày mấy chục năm. Trên thế giới, hàng không và vũ trụ là ngành áp dụng những công nghệ mới nhất, tiên tiến, chính xác và an toàn nhất. “Các nghiên cứu tại Việt Nam mới chỉ phục vụ cho công tác dự đoán dự báo thay đổi khí quyển, lắp đặt vệ tinh truyền thông...”, anh nói.
Theo anh, Việt Nam không cần thiết phải đặt ra mục tiêu phải sản xuất cho được máy bay dân dụng. Trên thế giới hiện nay cũng chỉ có 6, 7 nước là có thể sản xuất được loại máy bay này. “Ngành công nghiệp luyện kim, tự động hóa, các ngành công nghiệp phụ trợ của chúng ta còn quá kém, chưa biết bao giờ mới bắt kịp nước khác. Vì thế, mình nên tập trung về công việc khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa trong hàng không. Đồng thời phát triển những định hướng mới có chi phí đầu tư không lớn và phục vụ trực tiếp những nhu cầu thiết thực như: khinh khí cầu nhỏ, máy bay không người lái”, anh chia sẻ.
Dưới sự hướng dẫn của Đinh Tấn Hưng, tháng 5/2012, một nhóm sinh viên của bộ môn Kỹ thuật Hàng không và vũ trụ đã giành giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2011-2012. Đó là nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy bay 4 chong chóng mang ứng dụng cho quan sát. Đây là loại máy bay rất tiềm năng, có thể phát triển nâng cao đến mức tinh vi (trên thế giới đã có loại máy bay không người lái cánh vẫy nhỏ như một con bướm và trong suốt) để ứng dụng cho công tác dân sự và quân sự ở những khu vực con người không thể tiếp cận. Hướng theo xu thế nhỏ gọn, tiện ích, đó cũng là tiêu chí mà Hưng cùng một số đồng nghiệp đặt ra cho kế hoạch phát triển loại máy bay đầy tiềm năng này. |
Theo Nhịp cầu đầu tư