Tại phiên chính thức Đại hội Đại biểu toàn quốc VUSTA lần VIII (nhiệm kỳ 2020 -2025) ngày 25/12, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội VIII đã công bố kết quả bầu cử Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Kiểm tra và Thường trực Đoàn Chủ tịch khóa VIII.
Đại hội Đại biểu toàn quốc VUSTA lần VIII (nhiệm kỳ 2020 -2025) đã tổ chức bầu Đoàn chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khóa VIII. Hội đồng Trung ương tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn danh sách Chủ tịch, Phó chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Tổng thư ký bầu cử bằng hình thức giơ tay biểu quyết.
Với kết quả 192/192 ủy viên Hội đồng Trung ương biểu quyết tán thành, VUSTA chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách Đoàn chủ tịch gồm 27 thành viên.
Ông Phan Xuân Dũng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Trung ương khóa VIII; ông Phạm Quang Thao và Nguyễn Hồng Diên là Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam - VUSTA, ông Nguyễn Quyết Chiến là Tổng thư ký, Liên hiệp Hội Việt Nam - VUSTA khóa VIII; 9 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Liên hiệp Hội Việt Nam - VUSTA và ông Phạm Quang Thao là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên hiệp Hội Việt Nam - VUSTA.
Tiến sĩ Phan Xuân Dũng trở thành Tân Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam. Ảnh: Xuân Phú |
Ông Phan Xuân Dũng, SN 1960, quê xã Đại Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông Dũng có trình độ chuyên môn là Tiến sĩ khoa học.
Trước khi giữ Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Xuân Dũng là Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội. Ông Dũng cũng từng giữ nhiều chức vụ như Phó Vụ trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Từ năm 2006 đến nay, ông Dũng là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội khóa XII, XIII, XIV, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X (dự khuyết), XI, XII; Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội (khóa XII), Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội (khóa XIII và XIV), Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc của Quốc hội khóa XII, XIII, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt – Nga của Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam khóa 2007-2012, nay là Chủ tịch danh dự của Tổng hội cơ khí Việt Nam, Thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều Ban chỉ đạo khác.
Tiến sĩ Phan Xuân Dũng phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lần VIII. Ảnh: Xuân Phú |
Trong suốt quá trình công tác, Phan Xuân Dũng có nhiều đóng góp cho sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước.
Trong 5 năm qua, công tác tại cơ quan Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng đã góp phần tích cực cho việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về KH&CN, bảo vệ môi trường và nhiều chính sách quan trọng khác, góp phần cùng Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật trong việc quản lý và phát triển KH&CN, ứng xử đúng đắn với những vấn đề về tài nguyên, môi trường góp phần quan trọng trong việc phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Ông Phan Xuân Dũng được ghi nhận có nhiều đóng góp cho xây dựng pháp luật. Cụ thể, các dự án luật thảo luận tại Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội như: Luật Năng lượng nguyên tử (2008), Luật KH&CN (2013); Luật Xây dựng (2014, 2020); Luật Bảo vệ môi trường (2014, 2020), Luật Thú y (2014), Luật chuyển giao công nghệ (2016), Luật Đường sắt (2016), Luật Phòng, chống thiên tai (2016, 2020), Luật Thủy lợi (2017), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Thủy sản (2017), Luật Đo đạc và bản đồ (2018) Luật Chăn nuôi (2018), Luật Trồng trọt (2018), Luật Kiến trúc (2019) dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, đường Hồ Chí Minh…
Trong giám sát, ông Dũng đã có nhiều đóng góp cho việc giám sát về rà soát và quy hoạch phát triển thủy điện, về tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN, về đầu tư và ngân sách cho KH&CN, về chính sách cho KH&CN, về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề, về ứng phó với biến đổi khí hậu, về phòng, chống sụt lún, sạt lở bờ song, bờ biển, về xử lý tro xỉ các nhà máy điện và nhà máy hóa chất, về xử lý chất thải chăn nuôi... và đã có nhiều đề xuất, kiến nghị quan trọng.
Ông Phan Xuân Dũng cũng để lại những dấu ấn trong tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời trong nghiên cứu khoa học ông Dũng đã tham gia và chủ trì nhiều đề tài khoa học và công nghệ, trong đó có đề tài về bảo vệ chủ quyền Biển, Đảo của Tổ quốc; công bố nhiều bài báo, nhiều cuốn sách có giá trị.
Ông Phan Xuân Dũng đã đạt được những thành tích như nhiều năm được công nhận danh hiệu lao động xuất sắc; nhiều giấy khen, bằng khen của Đảng ủy cơ quan, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, của cơ quan, đơn vị; được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ” của Bộ Khoa học và Công nghệ; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo" của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Kỷ niệm chương về “Đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Biển, Đảo của Tổ quốc” của Bộ Tư lệnh Hải quân; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thông tin và truyền thông” của Bộ Thông tin và truyền thông; Kỷ niệm chương của Quốc hội Liên Bang Nga.