Tạp chí Jane's cho biết, ít nhất có 3 tiêm kích đánh chặn MiG-25 đã được Liên minh Hồi giáo Bình minh Libya điều động tới căn cứ không quân ở thành phố ven biển Misratah.
Jane's đưa ra thông tin này dựa trên việc phân tích hình ảnh từ vệ tinh Google Earth. Theo đó, có một chiếc tiêm kích MiG-25 hiện diện ở căn cứ phía Nam Libya ngày 31/1/2015, và đến ngày 28/2 thì có ba chiếc tiêm kích loại này ở đây. Trong khi đó chiếc tiêm kích MiG-25 xuất hiện trước đó vào tháng 1/2015 đã được di chuyển đi chỗ khác.
Không quân Libya trong quá khứ từng đặt mua 96 tiêm kích đánh chặn MiG-25PD, biến thể huấn luyện MiG-25PU và trinh sát MiG-25RBK vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, nhưng không có chiếc nào trước đó được đóng tại Misratah.
Hình ảnh vệ tinh chứng tỏ MiG-25 được phiến quân Libya điều động tới Misratah. |
Các căn cứ mà MiG-25 được nhìn thấy theo hình ảnh vệ tinh được chụp trước và sau cuộc lập đổ Tổng thống Muammar Gaddafi năm 2011 thường đồn trú ở Al-Jufrah, Mitiga ở Tripoli và Sabha. Điều lưu ý rằng, trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, các máy bay này không thấy tham gia hoạt động.
Chỉ có một số máy bay MiG-25 đồn trú tại các cơ sở khác, gồm cả ở Surt, đã tham gia ném bom trong suốt thời gian các nước phương Tây can thiệp vào Libya bắt đầu từ tháng 3/2011. Nhưng không có báo cáo nào về việc tiêm kích MiG-25 được xuất kích để chống lại các máy bay của liên quân.
Sự im hơi của các tiêm kích đánh chặn MiG-25 ở Libya có thể xuất phát từ lý do chi phí và sự phức tạp trong việc duy trì các tiêm kích do hậu quả của sự mâu thuẫn giữa Libya và Nga về các khoản nợ từ thời Liên Xô để lại. Cho nên phi đội MiG-25 của Libya từng gặp rất nhiều vấn đề về bảo trì. Điều này chỉ được tháo gỡ khi năm 2008, Moscow đồng ý hủy nợ cho Libya để đổi lấy các hợp đồng quân sự, năng lượng và xây dựng.
Các máy bay tiêm kích MiG-25 của Libya. |
Việc đại tu MiG-25 của Libya có thể là một trong những hợp đồng được thống nhất vào thời gian trên. Tuy nhiên, việc MiG-25 không thấy xuất hiện trên tiền tuyến trong thời gian dài có thể còn do lúc đó Ghadaffi thấy không cần thiết điều động máy bay có khả năng đánh chặn sau khi đã cải thiện được mối quan hệ với phương Tây.
Các chuyên gia phân tích quân sự dự đoán, các tiêm kích MiG-25 tái xuất lần này rất có thể được phiến quân lấy được từ căn cứ Al-Jufrah, một nơi còn lưu trữ nhiều nhất MiG-25 còn hoạt động được.
Một khi phiến quân Bình minh Libya (Libya Dawn) có đủ các kỹ sư và phi công để vận hành MiG-25 thì rất có thể “Chó săn chồn” tái xuất gầm rú trên bầu trời Libya. Đó sẽ là thách thức lớn đối với quân chính phủ mới của Libya và các lực lượng quân sự của NATO, cũng như tạo ra mối đe dọa với Israel.
Với tốc độ nhanh khủng khiếp, MiG-25 từng có cuộc dạo chơi trên bầu trời Israel vào những năm 1970. Khi đó, không quân, phòng không Israel hoàn toàn bất lực trước con chim sắt tốc độ này. |
Tiêm kích đánh chặn MiG-25 được NATO gọi với biệt danh “Chó săn chồn” (Foxbat), có khả năng đạt vận tốc cực đại tới Mach 3.2 (3.490 km/h). Ngoài ra, nó sở hữu hệ thống vũ khí gồm các tên lửa không đối không điều khiển bằng radar, tên lửa điều khiển bằng tia hồng ngoại có khả năng tấn công mục tiêu từ 2-60 km. Với vận tốc và trang bị như vậy, MiG-25 từng khiến Mỹ, NATO, Israel chết khiếp trong suốt nhiều năm.
Trước đó, vào năm 2011 khi tiến hành nghị can thiệp quân sự vào Libya theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, NATO cũng từng rất lo ngại các máy bay MiG-25 đang còn khả năng hoạt động có thể trở lại bầu trời.
Trong lịch sử chiến tranh ở Trung Đông, tiêm kích MiG-25 sử dụng tên lửa không đối không R-40 từng hạ gục F-15 trong cuộc xung đột giữa Syria và Israel năm 1981, bắn rơi F/A-18C trong cuộc đụng độ vùng Vịnh năm 1991 và tiêu diệt máy bay không người lái MQ-1 Predator trong cuộc đối đầu trên không tại Iraq vào năm 2002.