Các bữa tiệc sinh nhật được tổ chức xa hoa không khác gì tiệc cưới. (Ảnh: 163) |
Không chỉ tốn kém, Lý nói bản thân phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức cho tiệc sinh nhật của con gái.
“Nhưng vì lợi ích của bọn trẻ, chúng tôi phải làm điều đó”, bà cho hay.
Lý chỉ là một trong rất nhiều phụ huynh Trung Quốc đang phải lao tâm khổ tứ vì sinh nhật tuổi 12 cho con cái mình.
Tiệc chào tuổi 12 từ lâu được xem là "tập tục" ở Sơn Tây, Thiểm Tây, Nội Mông và một số vùng khác của Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, các bữa tiệc này đang ngày càng xa rời ý nghĩa chào tuổi 12 đơn thuần cho lũ trẻ.
Tại các bữa tiệc, các phụ huynh mời khách ăn tối tại khách sạn cao cấp, mời đi xem phim, hát karaoke, thậm chí cả đi du lịch.
Ở một bữa tiệc tại một khách sạn hạng sang ở Thái Nguyên, sân khấu được trang trí mô phỏng một lâu đài hoa hồng. Các ảo thuật gia được mời tới biểu diễn trong khi quan khách ngồi dùng bữa bên dưới.
Khi tiệc gần tàn, nhân vật chính của bữa tiệc sinh nhật cùng bố mẹ bước lên sân khấu, cảm ơn khách mời và độc tấu violin. Các học sinh khác được mời dự tiệc sau đó lên sân khấu, gửi quà và lời chúc cho bạn mình.
Toàn bộ buổi lễ diễn ra trong khoảng 30 phút. 7 nhiếp ảnh gia rải khắp khán phòng để chụp hình.
Theo quản lý khách sạn, các bữa tiệc mừng sinh nhật tuổi 12 của trẻ em trong vùng thường có khoảng 15 bàn. Giá tiền ăn mỗi bàn khoảng 3.300 NDT (khoảng 11 triệu đồng) trở lên. Ngoài ra còn phí trả cho người dẫn chương trình, âm thanh, ánh sáng, các tiết mục biểu diễn.
Tại các khách sạn ở Thái Nguyên, tiệc sinh nhật dạng này được đặt nhiều thứ hai sau tiệc cưới. “Về cơ bản, mỗi tuần đều có tiệc sinh nhật cho các bé 12 tuổi”, người quản lý khách sạn cho biết.
Chia sẻ về tiệc đón tuổi 12 của mình, cô bé tên Lưu Đào, 13 tuổi hồ hởi khoe: "Sinh nhật thứ 12 của cháu được tổ chức trong khách sạn. Cháu đã mời rất nhiều người thân và bạn bè. Cháu nghĩ 12 tuổi là một bước ngoặt của cuộc đời mình, vì vậy nên làm thật lớn".
Nhiều phụ huynh Trung Quốc cảm thấy mất mặt khi không tổ chức sinh nhật linh đình cho con. (Ảnh: 163) |
Bạn học của Lưu Đào, Tiểu Thụ tỏ ra ghen tị khi không được làm sinh nhật.
"Cháu không được tổ chức sinh nhật trong khi nhiều bạn cùng lớp được làm. Tất cả các bạn ấy đều tổ chức tiệc trong khách sạn. Bố mẹ mấy bạn ấy còn mời cả người tới biểu diễn. Thích lắm ạ”, Tiểu Thụ nói với vẻ tiếc nuối.
Nhưng cũng có những đứa trẻ không quan tâm lắm tới sự kiện này.
Tiểu Vĩ, đang theo học tại trường tiểu học Thái Nguyên số 2 thấy khá lạ khi các bạn mình “tổ chức tiệc sinh nhật to như đám cưới”.
Tiểu Vĩ nói em không đòi hỏi bố mẹ tổ chức bữa tiệc lớn như vậy vì sợ tốn tiền. Nhưng bố mẹ Tiểu Vĩ vẫn tổ chức sinh nhật cho con trai mình.
“Người khác đã làm thì chúng ta cũng phải làm, nếu không bọn trẻ sẽ không vui và các bạn trong lớp sẽ coi thường nó”, bà Diêm, mẹ của Tiểu Vĩ nói.
Bà Diêm cho biết từ đầu năm, cứ vài tuần Tiểu Vĩ lại tham dự sinh nhật bạn cùng lớp một lần. Điều này khiến em không thể tham gia các lớp học ngoại khóa vào cuối tuần.
“Chúng phải lên kế hoạch mua quà gì, chơi ở đâu sau bữa tối, chắc chắn sẽ bị phân tâm trong việc học”, bà Diêm nói.
Cô Đoàn, giáo viên lớp 6 một trường tiểu học ở Sơn Tây cho biết học sinh của cô thường tặng quà cho nhau với suy nghĩ “Không mua quà đến tặng thì mặt mũi nào mà đến ăn không?”.
“Với trẻ em ở độ tuổi này, việc thường xuyên tham gia tiệc sinh nhật không chỉ khiến chúng xao nhãng việc học mà còn tạo ra tâm lý so sánh. Ngoài ra, tiếp khách, đi hát karaoke... đều là hình thức giao tiếp của người lớn. Dạy trẻ điều này quá sớm không có lợi cho sự phát triển của các em”, cô Vương, giáo viên một trường tiểu học khác cho hay.
Các chuyên gia cho rằng sinh nhật vốn là dịp trẻ em giao lưu với nhau để chào tuổi mới, giúp các em có thêm bạn bè. Nhưng khi các bữa tiệc này trở nên xa xỉ và chỉ mang tính hình thức, ý nghĩa này sẽ bị biến tướng. Đồng thời trẻ có thể sẽ có cái nhìn sai lệch về giá trị cùng khái niệm của tiền bạc.