Nhập viện sau bữa cơm chiều
Ngày 10/6, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chị Néang Khum (36 tuổi, người Khơ me, ngụ ấp Minh Lợi, xã An Tức, huyện Tri Tôn) cho biết, gia đình chị có 6 người gồm cha mẹ chị, chồng và 2 con của chị.
Rạng sáng 4/6, chồng chị là anh Chau Sóc Thi (36 tuổi) ra vườn tầm vông cạnh nhà hái nấm được chừng 1 tô, đem để trong nhà. Sau đó, chị đem nấm này làm món nấm xào để ăn bữa cơm chiều. Hôm đó mẹ chị (bà Néang Khlen - 76 tuổi) đi chùa nên chỉ ăn theo tục lệ bữa cơm sáng và trưa, chứ không ăn cơm chiều. Khoảng 17h30, cả nhà chị ăn cơm. Chị là người ăn nhiều nấm độc xào nhất.
Anh Thi bên cây nấm giống cây nấm khiến gia đình anh ngộ độc. |
Còn mẹ chị đút cơm cho cha chị (ông Chau Ốp, 84 tuổi, do mắc bệnh tai biến 7 năm nay phải ngồi xe lăn). Thấy nấm ngon nên lúc mẹ đút cơm cho cha, chị gắp vài cây nấm xào để vào chén cho cha ăn.
Chị Khum nhớ lại: “Ăn cơm xong chừng nửa giờ, chồng tui bị đau bụng, chảy nước dãi, ói và tiêu chảy. Kế đó, tui và 2 đứa con cũng bị chóng mặt, ói mửa và chảy nhiều nước dãi. Tui là người bị nặng hơn nên chóng mặt một lúc thì không biết gì nữa. Chồng tui kêu hàng xóm giúp đưa vợ chồng tui và 2 đứa con đi bệnh viện huyện cấp cứu.
Cha tui cũng bị khó thở, nhưng do không kiếm được xe chở đi nên cha tui được chở đến bệnh viện sau khoảng 1 giờ đồng hồ. Cha tui vào viện được chừng 30 phút, bác sĩ cứu không được nên gia đình chở cha tui về. Đi được chừng nửa đường, cha tui chết. Nếu 4 người trong gia đình tui không có xe chở đến bệnh viện kịp thời, chậm trễ chút nữa chắc cũng chết hết rồi”.
Ngày 7/6, bệnh viện cho vợ chồng chị xuất viện. Còn đứa con gái nhỏ (tên Néang Then, 10 tuổi) xuất viện hôm 9/6. Hiện con trai lớn của chị Khum (tên Chau Thên, 13 tuổi) vẫn phải nằm điều trị ở bệnh viện.
Bị ngăn cản nhưng tiếc công chồng
Anh Thi cho hay, sở dĩ vợ chồng anh biết chắc mình bị ngộ độc nấm vì trong bữa ăn hôm ấy chỉ có 2 món. Món thịt gà nấu cà ri, mẹ chị Khum đã đem vào chùa cúng và nhiều sư sãi đã ăn nhưng không sao. Như vậy độc chỉ có thể do nấm.
Bà Néang Blăn (51 tuổi, hàng xóm nhà anh Thi) cho biết, hôm đó khi anh Thi đem vào nhà thì mẹ chị Khum thấy không giống nấm mối nên cản không cho nấu ăn. Nhưng chị Khum thấy tiếc công chồng mình bỏ ra hái cực khổ cả buổi nên vẫn đem đi xào mỡ cho cả nhà ăn.
“Hôm đó bà Néang Khlen không ăn cơm chiều, nên mới phát hiện người nhà bị ngộ độc lúc còn sớm, chứ không thì cả nhà 6 mạng người đều chết sạch rồi. Bởi ở trong sóc này, cứ 19h – 20h là dân ngủ hết. Ông Chau Ốp chỉ được vợ đút có 2 muỗng cơm có nấm xào mà còn chết. Có lẽ do sức khỏe ổng yếu, bị ăn nhầm nấm độc rồi chở đến bệnh viện trễ nên không kịp cứu chữa”, bà Néang Blăn nói.
Sau khi anh Thi chỉ cho chúng tôi cây nấm mọc cạnh nhà giống loại nấm mà anh hái ăn ngày 4/6, chúng tôi mang hình ảnh cây nấm mọc tự nhiên này cho người sành nấm mối (còn gọi là nấm mùa) nhận diện. Người này quả quyết đó không phải là nấm mối.
Bà Néang Sa Rết (45 tuổi, ngụ ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, đang nuôi cháu ở bệnh viện huyện Tri Tôn) kể, bà và dân trên vùng Bảy Núi hay đi hái nấm mối vào mùa mưa. Vào mùa mưa, những chỗ có cây mục và có mối trú ngụ là nấm mối mọc lên. Từ đó người ta gọi cây nấm đó là nấm mối, hay nấm mùa. Hình dáng bên ngoài của cây nấm mối là phần núm trắng muốt, trơn láng. Còn thân nấm thì cũng trắng trong và không có mục phấn như cây nấm do gia đình anh Thi ăn phải.
Bà Rết còn cho hay, nếu là dân sành ăn nấm mối thì ai cũng biết cây nấm gia đình anh Thi ăn là nấm độc. Đặc điểm của cây nấm mối là khi mọc ở vùng nào thì vào mùa mưa năm sau vẫn mọc tại nơi ấy. Khi xào hay nấu canh, nấm mối có vị ngọt thơm và nhai cảm thấy dai, rất ngon miệng. Rễ nấm ăn sâu vào lòng đất.
Dân gian thường moi rễ nấm mối lên để đoán định năm nay mùa nước lũ lên cao hay thấp. Nếu rễ càng dài, ăn càng sâu vào lòng đất thì nhất định mùa lũ năm ấy sẽ là lũ lớn và ngược lại. “Cháu tui nhập viện mà tui mới biết có thể bị ngộ độc do ăn phải nấm độc. Chứ tui và nhiều bà con ở vùng này khoái ăn nấm lắm. Nhưng sau chuyện này, tui cũng ớn, có thể không dám ăn nấm mọc ngoài tự nhiên nữa”, bà Rết tâm sự.
Bác sĩ Chau Chanh Tha - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa huyện Tri Tôn) cho biết, trong 5 trường hợp nói trên nhập viện thì có 4 ca gồm vợ chồng và 2 con chị Khum là ăn nhiều nấm lạ. Sau khi hồi sức bằng truyền dịch, đặt than hoạt tính để loại thải độc tố… thì cả 4 đều đã khỏe. Riêng cụ ông khi nhập viện được chẩn đoán là sốc nhiễm trùng đường hô hấp. Sau khi được cấp cứu, gia đình thấy không qua khỏi nên xin về.
Chị Néang Khum bộc bạch: “Vợ chồng tui có 1,5 công đất ruộng nên trước đây là hộ nghèo. Sau đó chính quyền cất cho căn nhà và cho vay vốn làm ăn nên giờ là hộ cận nghèo. Chồng tui hiện làm thợ hồ, tiền công mỗi ngày được 140.000đ. Còn tui đi cấy lúa, làm cỏ mướn được 100.000đ/ngày.
Vợ chồng nghèo nên ngoài 3 triệu tiền nhà đóng cho bệnh viện thì tui phải mượn bà con chòm xóm hết 5 chỉ vàng để làm đám làm phước (đám tang) cho cha tui. Bị ngộ độc lần này gia đình tui quá sợ, từ nay về sau không bao giờ dám ăn nấm nữa”.
Mời quý độc giả xem video Những thực phẩm thường gặp nhưng rất độc (nguồn Youtube):