Không ít sinh viên năm 3-4 đại học đã sớm có khoản tích lũy lên đến 100 triệu đồng nhờ biết tiết kiệm. Những sinh viên này cho biết vẫn tiếp tục tranh thủ đi làm thêm/đạt học bổng… để có thu nhập mỗi tháng đủ chi tiêu cho cuộc sống cơ bản.
Các bạn không có nhu cầu sử dụng số tiền 100 triệu đồng. Thay vào đó, họ muốn tích lũy cho tương lai, phấn đấu có cuộc sống tốt hơn để có thể làm những điều mình thích, hoàn thành các mục tiêu tài chính xa hơn.
Trong thời kỳ kinh tế nhiều biến động, nếu gửi tiết kiệm với mức lãi suất 5-6%/năm hiện tại, cộng thêm với lạm phát còn cao thì lãi suất thực dương ở mức rất thấp. Nhiều bạn trẻ băn khoăn chọn cách phân bổ tài sản đầu tư vào các kênh khác để sinh lời.
Chuyên gia tư vấn:
Trước khi đầu tư, các bạn sinh viên cần chuẩn bị phương án bảo vệ tài chính cho bản thân cho những sự kiện rủi ro và bất trắc không lường trước được như tai nạn, bệnh tật, mất đi người thân... Những sự kiện này làm gián đoạn nguồn thu nhập, hoặc thậm chí cần phải bán tài sản, vay mượn để chi trả cho các chi phí y tế, chi phí cá nhân…
Trước khi nghĩ đến việc đầu tư, các bạn trẻ cần nghĩ đến phương án bảo vệ tài chính. Đó là lập một quỹ dự phòng và có cơ chế bảo hiểm cho bản thân.
Trong đó, quỹ dự phòng dao động từ 3-6 tháng chi tiêu thiết yếu và nên được gửi vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng với kỳ hạn ngắn, đảm bảo tính thanh khoản khi cần và cũng đảm bảo tính tăng trưởng của tài sản. Số tiền trong quỹ dự phòng này sẽ chỉ được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp, và không được sử dụng cho những mục tiêu khác như mua sắm hay đầu tư.
Thông thường, sinh viên sẽ có bảo hiểm y tế của Nhà nước, mua thông qua đại học. Bảo hiểm này sẽ hỗ trợ các bạn trang trải các chi phí y tế thực tế phát sinh mà gặp rủi ro như tai nạn, ốm đau... Các bạn sinh viên có thể cân nhắc mua thêm một hợp đồng bảo hiểm tai nạn và sức khỏe với các quyền lợi chi trả cho những sự kiện bảo hiểm như tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, bệnh hiểm nghèo…
Chuyên gia khuyên nhà đầu tư trẻ nên chuẩn bị phương án bảo vệ tài chính cho bản thân, có thể tham khảo kênh chứng khoán (Ảnh: Mạnh Quân).
|
Sau khi chuẩn bị cho phương án dự phòng tài chính, số tiền đầu tư còn lại nên cân nhắc sử dụng 30-40% để đầu tư vào bản thân, như tham gia các khóa học phát triển kiến thức và kỹ năng. Ở lứa tuổi còn nhỏ, các sinh viên có thể tiếp tục nâng cao bản thân, cập nhật và đón đầu các xu hướng mới. Sau khi ra trường, bạn sẽ có nguồn thu nhập chủ động, cũng là nguồn thu nhập quan trọng của bạn trong các năm tiếp theo tăng trưởng bền vững.
Cuối cùng, với các sinh viên có ít kinh nghiệm đầu tư, chưa phát sinh người phụ thuộc về tài chính và thời gian đến tuổi hưu còn dài, kênh đầu tư có thể tham khảo là đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua chứng chỉ quỹ mở.
Đầu tư chứng chỉ quỹ mở là một hình thức đầu tư chứng khoán gián tiếp, có sự góp vốn của nhiều nhà đầu tư, không giới hạn người tham gia và quỹ mở được quản lý bởi công ty quản lý quỹ. Công ty này có các chuyên gia đầu tư kinh nghiệm sẽ thay bạn đầu tư vào các lớp tài sản như cổ phiếu, trái phiếu hoặc các loại tài sản khác. Danh mục quỹ đa dạng và giảm thiểu rủi ro so với việc đầu tư cổ phiếu trực tiếp.
Mục tiêu đầu tư chủ yếu của quỹ là theo sát hiệu suất của chỉ số mà quỹ sử dụng làm chuẩn, như chỉ số VN30-Index. Lợi nhuận kỳ vọng của cổ phiếu thuộc quỹ mở khoảng 12-15%/năm, để đón cơ hội thị trường tăng mạnh hoặc vượt qua giai đoạn thị trường rớt giá, vì thế thời gian đầu tư cho quỹ mở đòi hỏi khoảng 3-5 năm, thậm chí 10 năm, kèm theo tính kỷ luật, đầu tư đều đặn.
Dù có nhiều ưu điểm nhưng cũng cần lưu ý, quỹ đầu tư nào cũng sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố như thị trường chứng khoán, yếu tố bên trong của công ty quản lý quỹ, luật pháp, tình hình kinh tế, chính trị.
Hoặc nếu các bạn sinh viên chưa quen với việc đầu tư trên thị trường chứng khoán, bạn nên đầu tư với tỷ lệ thấp lúc đầu để hiểu thị trường và tập đầu tư, sau đó nâng dần số tiền.
Trong tương lai, khi số tiền tích lũy tăng lên hoặc khi có những thay đổi về tình hình tài chính, bạn có thể tìm hiểu thêm các kênh đầu tư như vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và các loại tài sản khác.
Nguyễn Thị Thùy Chi
Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT