Hôm nay (18/8), lũ thượng nguồn cơ bản đã giảm, Quốc lộ 7 đoạn qua huyện Tương Dương, Nghệ An, đã được thông xe cơ bản vào 14 giờ chiều nay. Tuy nhiên hàng trăm hộ dân ở huyện này vẫn chưa thể về nhà do Thủy điện Bản Vẽ đang xả lũ.
Nước sông Nậm Mô, Nậm Nơn, của thượng nguồn sông Lam đã có chiều hướng giảm, người người, nhà nhà đang gồng mình nạo vét bùn đất khỏi ngôi nhà mình . Hiện vẫn còn hơn 100 hộ dân ở các xã Tam Quang, thị trấn Hòa Bình, Tam Thái, Xá Lượng, Lượng Minh của huyện Tương Dương chưa thể về nhà, do thủy điện Bản Vẽ xả lũ.
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. |
Ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, theo lý thuyết thì thủy điện xả lũ đúng quy trình. Tỉnh đã có thông báo cho người dân chủ động tránh trú; thế nhưng với mức xả 2.400m3/s vẫn có thể gây sạt lở ngập lụt, hư hại tài sản của người dân do đất đã no nước, nhiều thành bờ không đủ sức giữ đất nên không tránh khỏi sạt lở.
Bà Quang Thị Hoan, trú tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương cho biết: Mấy năm trở lại đây, cứ mỗi lần thủy điện xả lũ thì gia đình bà tự đóng cọc tre giữ nền nhà và tài sản, còn ruộng vườn thì phải chịu cảnh ngập lụt mất trắng.
"Dân đóng cọc tre thô sơ nhằm hạn chế tình trạng sạt lở để đảm bảo tính mạng và tài sản, còn số diện tích đất nông nghiệp thì chưa có phương án giải quyết tình trạng sạt lở", ông Nhất nói.
Ông Lô Thanh Nhất, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương thừa nhận, huyện cũng chưa có giải pháp gì để giúp người dân trong huyện tránh được những cơn lũ chồng lũ như hiện nay. Chỉ biết rằng, cứ mỗi lần có lũ như thế này thì huyện lại phải huy động tổng lực, gồm Công an, quân đội, thanh niên tình nguyện, dồn sức tập trung giúp dân vận chuyển, sơ tán tài sản, cảnh báo người dân không qua lại những nơi nguy hiểm chứ cũng chưa có biện pháp nào khắc phục lâu dài.
Hiện bà con vẫn phải ở tạm trên các trường học, trụ sở hoặc nhà bà con hàng xóm; theo đó huyện hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho dân theo khả năng của huyện. Sau lũ sẽ thống kê để báo cáo tỉnh có biện pháp tiếp tục hỗ trợ dân.
Nước tuy rút nhưng bùn lầy còn nhiều. |
Ông Nhất cho biết: "Huyện trước mắt đang tập trung khắc phục thiệt hại, sau đó các cơ quan ban ngành mới thống kê mức độ thiệt hại rồi đề xuất với cấp trên hỗ trợ nhân dân ổn định lại đời sống. Chứ dân bây giờ, nhà cửa hư hại nhiều rồi nên tâm lý cũng lo lắng. Hiện nay các hộ di dời đều về các vùng an toàn, có thể họ lên trường học, lên trụ sở ủy ban hoặc là lên nhà của hàng xóm nơi an toàn đợi cho hết lũ đã rồi mới về được".
Tương Dương là huyện vùng hạ du trực tiếp của Nhà máy thủy điện lớn là Nậm Mô và Nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Trước đó, ngày hôm qua, (17/8), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An đã có công văn hỏa tốc gửi các đơn vị, địa phương trong tỉnh về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ, để cắt giảm lũ./.