Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, sẽ diễn ra vào lúc 9h sáng ngày 12/6 (giờ địa phương) tại khách sạn Capella nằm trên đảo nghỉ dưỡng Sentosa của Singapore.
Mọi công tác chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử Trump-Kim đang diễn ra rất tích cực và khẩn trương. Tuy nhiên, dư luận vẫn lo ngại về khả năng hội nghị lịch sử trên sẽ bị trì hoãn bởi những tiền lệ xấu trước đó, khi ngày 24/5, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhưng với phản ứng thiện chí từ phía Bình Nhưỡng, ngày 1/6, ông chủ Nhà Trắng xác nhận cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch ban đầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) sẽ gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12/6. Ảnh: AP. |
Theo Nikkei, với việc Tổng thống Trump thường xuyên thay đổi quyết định một cách đột ngột, một số chuyên gia cho biết, họ không tin Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra cho tới khi chứng kiến điều đó.
Có những ý kiến khác bày tỏ sự lạc quan hơn. “90% khả năng hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra. Cả Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều cam kết tham gia hội nghị này và mong muốn nó sẽ thành công”, Frank Jannuzi, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay.
Cuộc gặp ngày 12/6 tới sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một Tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp trực tiếp một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Mời độc giả xem thêm video: Thượng đỉnh Mỹ-Triều gọi tên Singapore (Nguồn: VTC14)
Theo Tổng thống Mỹ và các cố vấn của ông, những gì có thể chắc chắn đạt được trong cuộc gặp này là một hiệp định hòa bình nhằm chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, vốn được kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn vào năm 1953.
Tuy nhiên, để có được hiệp ước hòa bình, Triều Tiên sẽ cần phải cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân. Nhìn từ quan điểm phía Mỹ, nếu có bất cứ cam kết đáng tin cậy nào, Bình Nhưỡng cần phải đưa ra những bước đi đầu tiên trong lộ trình phi hạt nhân hóa và tiến tới hòa bình.
Còn về phía Triều Tiên, Giáo sư Park Won-gon về Quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Handong (Hàn Quốc), nhận định: “Trước hết, ông Kim Jong-un có thể muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Các lợi ích về kinh tế cũng quan trọng đối với Triều Tiên. Và cuối cùng, tôi nghĩ rằng, Triều Tiên muốn nhận được "món quà" về mặt quân sự. Các cuộc tập trận Mỹ-Hàn luôn ‘chọc giận’ quốc gia Đông Bắc Á này”.