Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được kỳ vọng sẽ giúp phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và đưa thỏa thuận ngừng bắn dài nhất trong lịch sử trở thành Hiệp ước Hòa bình.
Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 tại Singapore, tháng 6.2018. Ảnh: New York Times. |
Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, vì cuộc chiến 1950-1953 mới kết thúc bằng một Hiệp định đình chiến, chứ chưa phải một Hiệp ước Hòa bình. Thông báo của đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun tuần trước rằng Tổng thống Trump sẵn sàng “chấm dứt chiến tranh”, làm dấy lên đồn đoán về việc cuộc chiến tranh Triều Tiên gần đến lúc kết thúc, trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ gặp nhau tại Việt Nam vào cuối tháng 2/2019. Tuy vậy, theo giới quan sát, để tiến tới Hiệp ước Hòa bình thì các bên cần phải vượt qua nhiều thách thức, bắt đầu từ những bước đi nhỏ và tiến hành thêm nhiều cuộc đàm phán mở rộng hơn nữa.
Kỳ vọng của Mỹ và Triều Tiên
Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, mục tiêu đặt ra tại hội nghị sắp tới là chấm dứt tình trạng chiến tranh, nhận được cam kết đảm bảo an ninh và lợi ích kinh tế từ phía Mỹ. Ít nhất ông Kim Jong-un phải có cảm nhận rằng Washington sẽ không tìm cách răn đe Bình Nhưỡng và dần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu Bình Nhưỡng chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân.
Có thể trở về nhà với những cam kết như vậy, hoặc ít nhất là có một lộ trình dẫn tới những động thái trên sẽ giúp nhà lãnh đạo Triều Tiên có đòn bẩy chính trị trong thương thuyết, không bị mất uy tín đối với các tướng lĩnh quân đội hoặc những quan chức cấp cao vốn phản đối chủ trương hòa hoãn với Mỹ.
Đối với Tổng thống Trump, thành công đến từ một chữ: tiến bộ. Washington phải chứng minh có đủ khả năng thuyết phục Bình Nhưỡng đưa ra nhiều nhượng bộ hơn nữa và thực hiện một số bước đi tích cực hơn nữa hướng tới phi hạt nhân hóa, nhằm xoa dịu những lời chỉ trích cho rằng Tổng thống Trump đang hành động “một cách hồ đồ”. Theo các chiến lược gia về chính trị, tại cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2, Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, ông Trump khó có thể loại bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ. Vì vậy ông nên tìm kiếm các bước đi thực tế nhằm hạn chế tối đa những tiến bộ của Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân. “Nhà Trắng cần phải xem xét liệu ông Kim Jong-un có sẵn lòng phi hạt nhân hóa để đổi lấy những ưu đãi về kinh tế, bình thường hóa quan hệ đảm bảo về an ninh, những điều mà thuyết phục ông rằng Triều Tiên vẫn luôn vững vàng và lớn mạnh ngay cả khi không còn vũ khí hạt nhân”, các chuyên gia tại Hội đồng Atlantic của Mỹ nhận định.
Nếu cả Mỹ và Triều Tiên đều mong muốn tạo ra một sự kiện lịch sử khác thì các bên nên đưa ra một thỏa thuận chi tiết và thực tế hơn thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 1 ở Singapore. Hoặc giả, cuộc đàm phán sẽ bị đình trệ và tiếp đến là kéo theo thời điểm khủng hoảng trong quan hệ.
Giáo sư Jihwan Hwang tại Đại học Seoul cho rằng, thỏa thuận này cần làm rõ cách thức phi hạt nhân hóa và cơ chế hòa bình sẽ được thực thi theo từng giai đoạn. Chẳng hạn như Washington có thể đề xuất nới lỏng một số biện pháp, giảm quy mô và tần suất các cuộc tập trận của Mỹ tại Hàn Quốc, thành lập văn phòng liên lạc chung để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ song phương. Còn Triều Tiên thì cho phép thanh sát việc phá dỡ những cơ sở hạt nhân hay tên lửa của nước này. Nếu lãnh đạo Kim Jong-un muốn tạo ra nền kinh tế năng động hơn, ông phải giành được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như thiết lập hệ thống pháp lý phù hợp. Khi đó, Bình Nhưỡng sẽ cần đến sự trợ giúp của Washinton để hội nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu, thông qua những cuộc đàm phán đầy hứa hẹn đối với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Một chi tiết nữa cần phải xem xét đưa ra trong thỏa thuận là tiến hành những cuộc đàm phán ở cấp độ chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên. Một trong những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất suốt thời gian qua kể từ khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lần 1 tại Singapore là việc thiếu tiến trình đàm phán thực tiễn ở cấp độ chuyên viên. Đến nay, các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng phần lớn chỉ được thúc đẩy ở cấp lãnh đạo, nó chưa thực sự gắn kết với những cá nhân hiểu rõ mọi thứ về công việc giám sát, xác minh và giải giáp vũ khí hạt nhân. Vì vậy, Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 này cần tránh đi vào vết xe đổ của Hội nghị lần 1.
Giới phân tích cho rằng, cả Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un đều không thể mạo hiểm với một Hội nghị Thượng đỉnh không thành công bởi nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín và chính sách ngoại giao của các bên. Để tránh nguy cơ này, hai bên phải đạt được sự nhất trí về khái niệm hòa bình. Ông Trump cho rằng hòa bình chỉ có thể được tạo ra nếu mục tiêu phi hạt nhân hóa được thực hiện thành công trong khi lãnh đạo Kim Jong-un tin rằng hòa bình chỉ có khi quan hệ Mỹ-Triều được thay đổi một cách căn bản. Thu hẹp bất đồng sẽ là chìa khóa để dẫn tới một thỏa thuận thành công, tạo tiền đề để thúc đẩy Hiệp ước Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Hiệp ước hòa bình có khả thi?
Hơn 65 năm trôi qua kể từ khi cuộc chiến tạm dừng, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang nỗ lực hàn gắn những mâu thuẫn và tìm tiếng nói chung trước khi cùng nhau ký hiệp ước hòa bình chấm dứt hoàn toàn chiến tranh. Giáo sư Koo Kab-woo tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cho rằng, điều Triều Tiên mong muốn bây giờ là một Hiệp ước Hòa bình chính thức để chấm dứt tình trạng xung đột với Mỹ và Hàn Quốc. Hiệp ước này đóng vai trò quan trọng đối với an ninh, thịnh vượng của người dân Triều Tiên, cũng đồng nghĩa với việc Mỹ và Triều Tiên sẽ không còn là “kẻ thù”.
Theo nhà phân tích này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người theo đường lối ôn hòa cũng ủng hộ Hiệp ước này khi chính ông là người xướng lên khẩu hiệu xây dựng một Bán đảo Triều Tiên “phi chiến tranh” và đây cũng sẽ là tin vui với Trung Quốc khi nước này muốn tìm cách giảm “vai trò” của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên đối với Mỹ lại là một câu chuyện khác vì Hiệp ước Hòa bình có thể tạo ra nhiều thách thức đối với liên minh quân sự Mỹ-Hàn và việc đồn trú 28.500 binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc.
Cùng chung quan điểm, giáo sư Koh Yu-hwan, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongguk cho biết: “Mỹ lo ngại sự thay đổi trật tự đột ngột trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nước này và điều đó sẽ không có lợi khi Trung Quốc đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng”. Trung Quốc đã rút lực lượng ra khỏi Bán đảo Triều Tiên vào năm 1956, khoảng 3 năm sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa hai miền Triều Tiên được ký kết. Và với tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh, Mỹ sẽ rất khó tìm cớ để biện minh cho việc tiếp tục hiện diện quân sự tại Hàn Quốc.
Việc ký kết Hiệp ước Hòa bình không phải là câu chuyện đơn giản đối với hai miền Triều Tiên. Theo nhiều nhà phân tích, thỏa thuận về Hiệp ước Hòa bình khó có thể đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai vì tính phức tạp của vấn đề.
Tờ Channel News Asia cho rằng, có rất nhiều câu hỏi cần phải giải quyết, bắt đầu bằng việc ai sẽ là người ngồi vào bàn đàm phán, tiếp đến là liệu có cần gắn Hiệp ước Hòa bình với mục tiêu phi hạt nhân hóa hay không. Một câu hỏi liên quan khác là liệu Hiệp ước có ràng buộc với việc giảm lực lượng quân sự của các bên trên bán đảo Triều Tiên hay không. Chuyên gia Koo Kab-woo đánh giá, một Hiệp ước như vậy sẽ đòi hỏi rất nhiều sự thay đổi, từ việc sửa đổi Hiến pháp của Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như xem xét lại vai trò của quân đội Mỹ.
Nhà phân tích Kim Dong-yub tại Viện nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul dự đoán, các cuộc đàm phán để tiến tới một Hiệp ước như vậy có thể kéo dài hơn 3 năm. Kịch bản khả thi nhất là các bên liên quan gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc sẽ tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh, giống như một tuyên bố chính trị. “Điều này sẽ mở đường cho một Hiệp ước Hòa bình”, ông Go Myong-hyun, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc) nói. “Tuyên bố chấm dứt chiến tranh là tuyên bố chấm dứt quan hệ thù địch bằng lời nói và hiệp định hòa bình sẽ giúp hoàn tất tuyên bố này theo cách ràng buộc về mặt pháp lý”, giáo sư Koh nói.
Hiệp ước Hòa bình chỉ thực sự đóng vai trò hiệu quả trong việc bảo đảm cơ chế an ninh cho Bán đảo Triều Tiên khi nó được xây dựng dựa trên lập trường chung của các bên liên quan đến chiến tranh Triều Tiên. Điều này đòi hỏi các bên phải từng bước tháo dỡ những mâu thuẫn và nghi kỵ, thực hiện những nỗ lực hàn gắn sự chia rẽ trên Bán đảo Triều Tiên.