Ảnh minh họa. |
Có vài nguyên nhân gây thiếu sữa như mẹ ăn uống kém, không đủ chất dinh dưỡng, do mệt mỏi sau sinh, stress tâm - thể sau sinh, viêm núm vú... Hai tình huống thiếu sữa mẹ cho con bú thường gặp là bầu vú không căng sữa, thường do sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, giảm đau sau khi sinh. Cần chú ý có khi bệnh lý dạ dày kèm theo gây chán ăn hoặc kém hấp thu, nên người mẹ thường trong trạng thái suy nhược.
Trong điều trị cần tăng cường chất dinh dưỡng đủ các thành phần đạm, dầu, bột, đường, các loại rau củ để có chất khoáng và vitamin. Lo lắng, stress sau sinh ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người mẹ. Nên ngoài việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần phải có sự ân cần, quan tâm chăm sóc động viên của người thân đặc biệt là người chồng.
Bầu sữa căng kèm cảm giác tức, đau là do lượng sữa đủ, nhưng có thể các ống dẫn sữa không thông do bị hẹp hoặc tắc do viêm. Biện pháp điều trị bằng cơ học: Hút, xoa, vắt với lực vừa phải, nhẹ nhàng trên vú để giúp tiết được sữa. Dùng thuốc kháng viêm đặc biệt từ các loại rau, quả, đậu... có tác dụng làm thuốc như bồ ngót, rau đay, đu đủ (vừa chín), mướp hương, nghệ, gừng, các rau có lá màu xanh đậm...
Trong Đông y, từ một số dược liệu, rau, ngũ cốc cũng có có thể chế biến thành những món ăn rất đơn giản có thể giúp mẹ lợi sữa để nuôi con. Dùng lá tươi cây đinh lăng lá nhỏ nấu với với cá đồng hoặc thịt nạc giúp tăng dinh dưỡng và tăng lượng sữa, rễ đinh lăng lâu năm (40g) nấu với 6 - 8g gừng tươi trị tắc tia sữa. Đậu đỏ nấu với mè đen giúp nhuận trường và tăng lượng sữa; rong biển nấu nước uống, cung cấp axit amin, khoáng chất, vitamin... giúp tăng lượng sữa; quả đu đủ (vừa chín) hầm với giò heo, nhờ chất enzym papain cải thiện tình trạng tắc tia sữa và tăng chất đạm, béo cho mẹ.
Quả mướp hương nấu với thịt hoặc cá giúp tăng lượng sữa và cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho mẹ. Một số dược liệu khi nấu uống cũng giúp tăng lượng sữa hoặc dễ tiết sữa như quả trâu cổ, cây cỏ sữa, cây thông thảo, ngó sen, tảo spirulina..