Ngay sau khi Công ty JVE gửi công văn báo cáo tới lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” nhiều ý kiến cho rằng, không nên kè đáy dòng sông, vì như thế sông Tô Lịch sẽ giống như một mương thoát nước.
Lãnh đạo Công ty JVE khẳng định: "Ý kiến này hiểu nhầm từ “kè đáy” trong dự án của chúng tôi. Việc “kè đáy” được JVE đưa ra khi nói về việc xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ (kè thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay sau đó kè đáy khu vực sát hai bên bờ sông tạo hành lang đi dạo), không kè đáy lòng sông mà để tự nhiên). Tức là việc kè đáy ở đây là kè khu sát hai bên bờ sông chứ không phải kè đáy toàn bộ lòng sông".
Bởi nguyên lý của xử lý môi trường của Công nghệ Bio-Nano của Nhật Bản là kích hoạt các vi sinh vật có lợi phát triển nên dự án sẽ giữ nguyên diện tích lòng sông mà không kè đáy lòng sông. Ngoài ra, dự án cũng có phương châm giữ nguyên chiều rộng lòng sông, không thu hẹp lòng sông mà để tự nhiên, đại diện Công ty JVE giải thích thêm.
Một đoạn sông Tô Lịch nhìn từ trên cao. Ảnh: Tạ Quang |