Hôm nay, dân mạng Việt truyền tay nhau đoạn clip nói về cách ứng xử, thái độ của con cái với bố mẹ gây nhiều tranh cãi. Cô gái trong clip với nhiều hành động, lời nói với bố rất khó nghe khiến người xem vừa bức xúc vừa không khỏi suy ngẫm.
Trong clip, hai bố con ngồi trên vỉa hè cạnh một quán nước. Ông bố với dáng vẻ khá lam lũ, mặc quần áo bình dân, đầu vẫn đội mũ bảo hiểm đang hỏi thăm cô con gái được cho là đi học đại học ở Hà Nội. Trái với sự ân cần, lo lắng của ông bố, cô con gái khoảng 21-22 tuổi liên tục cất lời đuổi bố về vì sợ xấu hổ với bạn bè.
Lắng nghe đoạn hội thoại giữa hai bố con, có thể nghe thấy cô con gái liên tục nói: "Thôi bố về đi. Giờ tan tầm rồi, bạn bè nó thấy bây giờ thì ngượng lắm", "Bố cứ về đi rồi hôm nào rảnh, học xong con sẽ về. Về luôn đi không bạn bè nó ra con xấu hổ lắm!". Những câu nói như cứa vào lòng người theo dõi clip này, càng nghẹn lòng hơn khi ông bố dù bị con gái đuổi về nhưng vẫn cố nán lại hỏi thăm con bằng được: "Dạo này con có được khỏe không?", "Con không về bố mẹ ăn không ngon ngủ không yên đâu...".
Ông bố nhiệt thành hỏi thăm sức khỏe của con gái nhưng chỉ nhận lại những lời xua đuổi rất khó nghe. |
Chưa rõ thực hư của đoạn clip này nhưng với tình huống trong đó, dân mạng đã đồng loạt bày tỏ thái độ, sự bức xúc trước hành động, lời nói của cô con gái với ông bố "nhà quê". Nickname Hạnh Lena bình luận trên diễn đàn Beat: "Có loại con kiểu này thì đẻ cho nó đau thôi à? Sao phải xấu hổ vì bố ra thăm con, mang quà quê ra cho mà tẩm bổ. Sao phải ngượng với bạn bè vì bố quê mùa nhưng hiền lành chất phác. Cũng là sinh viên xa nhà, xem clip mà mình nghẹn đắng cả lòng".
Đồng tình với ý kiến trên, nickname Long Huy Vũ viết: "Bố mẹ có ra sao thì cũng là bố mẹ mình. Đã làm được gì cho bố mẹ chưa mà phải xấu hổ với bạn bè vì bố mẹ? Loại con cái như này rồi không biết sau sẽ báo đáp bố mẹ kiểu gì đây".
Liên quan đến nguồn gốc của đoạn clip, một số dân mạng hoài nghi thực ra đây chỉ là một đoạn clip dàn dựng. Bởi lời thoại của các nhân vật trong clip khá "kịch" khiến người xem liên tưởng đến những cảnh phim. Một số người lại cho rằng đây là một tình huống được dựng lên để khảo sát, xem thái độ, phản ứng của những người đi đường gặp chuyện bất bình.