Hai nhân vật có thật trong lịch sử đều sống vào thời Lê sơ (1428-1527), đó là Lê Tương Dực vị hoàng đế thứ 9 của vương triều Hậu Lê và Nguyễn Nghiêu Tư đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) đời Lê Nhân Tông; một người mang biệt danh “vua Lợn” vì tính hoang dâm, hiếu sắc; một người là “Trạng Lợn” do có nhiều giai thoại liên quan đến lợn: tên thật là Trư (lợn), con nhà bán thịt lợn, từng đi chăn lợn…
Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam có câu chuyện về vua Heo, đây là một chuyện ít người được nghe kể. Chuyện rằng có một cậu bé mồ côi người dơ dáy bẩn thỉu nên người ta gọi là thằng Heo, vì mưu sinh nên Heo phải đi ở đợ cho một viên quan. Một hôm quan sai Heo lấy nước rửa chân nhưng cấm không được động đến 3 nốt ruồi son ở chân quan; ai ngờ Heo khoe rằng trên lưng mình có 9 nốt ruồi đỏ sắp xếp như một bông hoa. Quan xem xong vô cùng sửng sốt rồi đâm ra ghen ghét muốn hãm hại Heo, ông ta sai người bỏ thuốc độc vào cơm định giết người có tướng mệnh đế vương, may thay được người hầu gái báo cho biết nên Heo thoát nạn, chạy trốn đến một nơi và làm người hầu cho một gia đình giàu có.
Heo khoe 9 nốt ruồi đỏ trên lưng. (Hình minh họa – Nguồn: nxbkimdong). |
Tại nơi mới, Heo bị đám con nhà giàu thường xuyên bắt làm ngựa cưỡi, bị đánh đập nên không chịu nổi phải trốn đến một ngôi chùa. Hàng ngày Heo làm nhiều việc, xong lại phải lau chùi tượng Phật. Có lần vì khó lau sạch ở những kẽ của các pho tượng, Heo bực mình bắt tượng phải giơ tay, duỗi chân để mình lau cho tiện, ai ngờ tượng làm theo lời cậu. Tình cờ có hòa thượng biết được, nghĩ rằng chỉ người có mệnh thiên tử mới sai khiến được tượng Phật, cậu bé này ắt có ngày làm vua. Nghĩ rồi hòa thượng ấy đi báo quan, một chú tiểu biết được báo cho Heo biết khuyên nhanh chóng trốn đi nơi khác để tránh họa.
Lần này, Heo đến làm thuê cho một lái buôn, lo việc chăm sóc hàng cau quý trước nhà. Vì tinh nghịch, Heo phân định các cây cau là cây bố, cây mẹ, cây con…; thật bất ngờ, các cây cau bỗng nhiên cao thấp, lớn nhỏ khác nhau như theo phân định của Heo. Chủ nhà ngạc nhiên bắt Heo làm cho cau trở lại như cũ nhưng Heo không đồng ý, bị chủ nhà đuổi đánh, cậu phải chạy đến một ngôi miếu thờ Long thần. Vì không có chỗ nằm, Heo bê tượng Long thần bỏ xuống đất rồi lên bệ thờ nằm ngủ cho đến sáng rồi vội vã ra đi; dân trong vùng phát hiện chuyện lạ mới khiêng tượng đặt lại chỗ cũ nhưng không được, thần nhập đồng phán rằng” “Vua đặt ta ở đâu thì để ta nằm yên ở đó, không được di chuyển đi đâu cả”. Mọi người đều cho rằng chắc hôm trước có thiên tử đến đây, thế rồi tin đồn lan khắp nơi.
Lại nói về Heo, cậu nghe nói có đám nghĩa binh đóng trên núi để chống lại triều đình với vua tồi quan tối, không lâu mọi người tin yêu đã tôn Heo làm thủ lĩnh. Từ đó nghĩa quân của Heo ngày càng đông đảo lớn mạnh, đánh đâu thắng đấy lạt đổ được triều đình mục nát và Heo lên ngôi vua, mọi người gọi chàng là vua Heo. Tình cờ một lần đi du ngoạn, vua Heo gặp lại người hầu gái năm xưa từng cứu mình thoát chết nên đã đón về cung lập làm hoàng hậu. Họ sống vui vẻ, hạnh phúc và trị vì đất nước, giúp dân sống trong cảnh ấm no, thanh bình.
Trạng Lợn Dương Đình Chung. (Hình minh họa – Nguồn: mythuat). |
Về nhân vật trạng Lợn, truyện dân gian xây dựng rất cụ thể từ quê hương, thời đại, cho đến bối cảnh lịch sử có thật khiến người ta có cảm giác đây là một nhân vật lịch sử. Mặc dù khó có thể xác định được thời điểm ra đời truyện Trạng Lợn, nhưng trong số các ông Trạng được dân gian xây dựng thì Trạng Lợn là nổi tiếng nhất không chỉ với những tình tiết ly kỳ hấp dẫn, vui vẻ hài hước mà còn bởi đây là nhân vật hư cấu nhưng lại có một tiểu sử rất rõ ràng, cụ thể làm cho tính thực giả đan xen, hòa trộn thật thú vị.
Tài liệu về truyện Trạng Lợn được lưu giữ đến ngày nay là bản viết của ông Mộng Quế Thư Hiên soạn năm Canh Thân, niên hiệu Khải Định năm thứ 5 (1920). Tác giả cho biết mình được nghe các cụ truyền lại và sau đó có được tư liệu về truyện Trạng Lợn mà đặt ra thành 19 hồi rồi in ra để “bà con khi buồn nói chơi làm cái sự vui cười một lúc”.
Theo câu chuyện dân gian thì Trạng Lợn sống vào đầu thời Hậu Lê, ông vốn là một vị tá tinh trên trời, vâng mệnh Ngọc hoàng thượng đế xuống để phù giúp Thiên Khôi tinh quân - người được cử giáng hạ vào hoàng cung nhà Lê (sau này trở thành hoàng đế Lê Thánh Tông). Vị tá tinh sau đó đầu thai vào làm con một gia đình làm nghề hàng thịt ở làng Mạnh Chư, trấn Sơn Nam Thượng (tục gọi là làng Dừa, nay thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Truyền rằng gia đình này có ơn giúp đỡ ông Tả Ao, một thầy địa lý nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, cảm cái nghĩa đó nên ông Tả Ao đã chỉ cho gia chủ một khu đất tốt với “sơn củng thủy triều, long bàn hổ phục, đôi bên thần đồng phụ nhĩ, xung quanh cờ biển ứng vào” (ý nói cái thế đất tốt đủ cả sông núi bao quanh, rồng hổ chầu hầu, thần đồng ứng điềm thông minh, cờ biển ứng điềm vinh hiển). Nghe theo lời khuyên, nhà hàng thịt đem hài cốt thân phụ mình táng vào chỗ đất ấy mong sẽ sinh được một người con mà như lời thầy Tả Ao ước đoán sẽ là người “bất tất phải học mà tài trí hơn người, ứng đối cực giỏi. Trong thời được vua yêu, chúa dùng, ra ngoài thời tùy cơ ứng đối; sự nghiệp cực kỳ ngộ”.
Ít lâu sau vợ ông hàng thịt mang thai, rồi qua 9 tháng 10 ngày sinh được một cậu con trai khôi ngô, đặt tên là Chung, danh tính đầy đủ là Dương Đình Chung. Lớn lên cậu bé Chung được cha mẹ cho đi học nhưng lại rất mải chơi nghịch phá, không chịu học hành gì, được cái bản tính thông minh, biện bác linh lợi, ứng đối mau lẹ. Mặc dù ít học nhưng anh chàng Chung do vốn là tá tinh giáng trần nên nhiều khi ăn nói vu vơ, khù khờ mà trúng, gặp rất nhiều chuyện may, hết được tình duyên tốt lại được thần tiên trợ giúp. Sau đó vì có công cứu trợ nên được vua Lê Thánh Tông ghi nhận, đường công danh thăng tiến cực nhanh, không đỗ Trạng nhưng được phong là Trạng, có tài làm tướng dẹp giặc lập công, đi sứ nước Tàu danh vang đất Bắc. Vua thấy Trạng có nhiều công lao với xã tắc nên xuống chiếu gia phong làm Thượng quốc công, ban cho đất để làm thực ấp, vợ Trạng được phong làm nhất phẩm phu nhân, các con đều được tập ấm; thực là một nhà vinh hiển, phú quý. Về sau này Trạng không bệnh mà mất, thọ 72 tuổi.
Trên đây là sơ lược về ông Trạng Lợn, một nhân vật hoàn toàn do dân gian hư cấu, đó là nhân vật điển hình trong kho tàng truyện Trạng, truyện tiếu lâm Việt Nam. Ở Trạng Lợn, cái tiên tri và cái nói khoác, cái uyên bác và cái dân dã, cái tài tình hóm hỉnh và cái nghịch ngợm…đều có đủ cả, chính điều đó đã tạo lên chất trí tuệ và chất hài hước, đem lại tiếng cười thoải mái và có sức sống lâu dài với thời gian, với con người Việt Nam.
Trạng Lợn dân gian không có liên hệ gì với Trạng Lợn trong lịch sử, đó chỉ là một câu chuyện hư cấu mang mục đích đả kích những kẻ có được một địa vị nhất định không bởi nhờ thực tài mà do may mắn, xảo thuật mà thành. Hoặc giả truyện Trạng Lợn chỉ là một dạng truyện tiếu lâm, hài hước mang lại tiếng cười trào lộng do đó Trạng Lợn còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như Trạng Dừa, Trạng Bói… Do tư liệu không nhiều nên cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể biết một xuất xứ chính xác của ông Trạng Lợn, vì vậy bài biết này chỉ là sự cóp nhặt tư liệu mong muốn góp thêm cho bạn đọc một chuyện để “mua vui một vài trống canh” bên chén trà trong lúc an nhàn, thư thái khi đón Tết đến Xuân về.