Theo đó, phát biểu tại Hội nghị Nikkei hôm thứ 5 (22/5) tại Tokyo, Thủ tướng Lý cho hay, trong vòng 20 năm tới, sẽ có 2 kịch bản dành cho châu Á gồm: Một là, châu Á sẽ trở thành một khu vực hòa bình, thịnh vượng; Hai là, châu Á chìm trong cuộc tranh chấp lãnh thổ và chủ nghĩa bảo hộ.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. |
Ông Lý Hiển Long cũng khẳng định rằng, tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ dựa vào sự tương tác của ba cường quốc là Mỹ, Nhật và Trung Quốc.
Mỹ sẽ vẫn là siêu cường ưu việt trên thế giới vào năm 2034, ông Lý cho hay. Trong khi đó, Nhật Bản “sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới với sức mạnh to lớn trên lĩnh vực khoa học và công nghệ”. Tuy nhiên, “sự thay đổi lớn nhất đối với châu Á trong 20 năm tới sẽ là sự lớn mạnh về quyền lực và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc”, ông cho hay.
Kịch bản thứ nhất: châu Á là một khu vực hòa bình và hợp nhất
Thủ tướng Lý Hiển Long cho hay, bối cảnh chiến lược mới ở châu Á sẽ phụ thuộc vào cách thức tương tác của ba cường quốc trên với nhau. Nếu quan hệ Trung-Mỹ thêm thắt chặt và nền kinh tế Nhật Bản phục hồi, châu Á sẽ “gặt hái” những lợi ích từ sự ổn định và hòa bình.
Theo ông Lý Hiển Long, hai vấn đề mấu chốt tác động tới vận mệnh châu Á trong 20 năm tới đó là mối quan hệ Trung-Mỹ... |
“Đó là viễn cảnh về một châu Á vẫn hòa bình. Các nước hợp tác cùng nhau để thúc đẩy lợi ích chung trong khi họ cùng cạnh tranh lẫn nhau một cách hoà bình. Môi trường chiến lược ổn định sẽ giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực. Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn về mặt kinh tế giữa các nước sẽ nâng cao mức sống của tất cả người dân và góp phần hiện thực hoá một khu vực hoà bình”, Thủ tướng Lý cho hay.
Trong kịch bản này, các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể “tăng cường hợp tác và hội nhập” và duy trì “một nền tảng trung lập hiệu quả để các cường quốc tham gia”.
Kịch bản thứ hai: Một châu Á chia rẽ, đối đầu
Tuy nhiên, ông Hiển Long cũng nêu ra một viễn cảnh xấu về châu Á trong hai thập kỷ tới. Với đà tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc và sự mất cân bằng trong khu vực và chính sách xoay trục châu Á-Thái Bình Dương, châu Á “sẽ đối diện với một tình cảnh xấu”. Ở đó, châu Á sẽ “đau đầu” với cuộc tranh chấp lãnh thổ và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Ở kịch bản này, các nước ASEAN sẽ ngả về các bên khác nhau, biến khu vực Đông Nam Á thành “bãi chiến trường của một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm” giữa các cường quốc.
Các vấn đề chủ chốt nắm giữ vận mệnh châu Á
Sau khi nêu ra hai kịch bản đặt ra cho châu Á như vậy, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đề xuất hai yếu tố quan trọng mà sẽ đóng một vai trò lớn đối với số phận của khu vực trong 20 năm tới. Thứ nhất, ông nói, mối quan hệ Trung-Mỹ - mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới – cũng dễ vượt ra ngoài tầm kiểm soát và trở thành một điểm nóng leo thang bạo lực.
...và tình hình ở bán đảo Triều Tiên. |
Thứ hai, sự bất ổn ở bán đảo Triều Tiên cũng là một điều đáng bàn ở đây. “Sự duy trì hiện trạng như bây giờ vẫn chiếm ưu thế. Chúng ta sẽ chứng kiến các đợt “đe doạ” nhau lặp đi lặp lại và chúng ta hy vọng chiến tranh sẽ không nổ ra”. Kết thúc bài phát biểu của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long gọi 20 năm tới là “cơ hội lịch sử” đối với châu Á.