Sáng 1/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề ra nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023 và thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Nhiều ý kiến tại hội nghị đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở công nhân. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, khảo sát cho thấy nhu cầu mua nhà phần lớn thuộc về các công nhân có việc làm ổn định, thu nhập khá, còn những công nhân có thu nhập thấp hơn có nhu cầu thuê nhà. Mặt khác, có 2/3 công nhân có con nhỏ gửi về quê, đồng thời nhiều công nhân dành khoảng 2/3 thu nhập gửi về quê hỗ trợ người thân và nuôi con nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến nay, trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2, gồm 93.000 căn nhà xã hội và 63.000 căn nhà ở công nhân. Cả nước đang triển khai thêm khoảng 401 dự án với quy mô 454.000 căn hộ, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Hiện Bộ Xây dựng đang trình các cấp có thẩm quyền nghị quyết thí điểm, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về nhà ở công nhân. Trong đó, một số nhóm chính sách là dành nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; miễn tiền sử dụng đất mà không cần thủ tục tính tiền sử dụng đất; lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất và cho phép công đoàn được làm chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân; phát triển đồng bộ các tiện ích trong khu nhà ở; chính sách chi phí, giá bán nhà ở theo hướng thủ tục nhanh nhất; đẩy mạnh các hình thức thuê và thuê mua…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc tổ chức thực hiện của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động, nhất là triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề có liên quan, góp phần đưa hoạt động công đoàn ngày càng thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.
Thủ tướng nêu rõ, để triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Chính trị, ngay trong tháng 1 vừa qua, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, bài bản, chặt chẽ, khoa học, bám sát thực tiễn để giải quyết công việc tồn đọng, các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề phát sinh, xử lý các khó khăn, vượt qua các thách thức, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh, đến nay, đã hỗ trợ trên 68,43 triệu lượt người lao động và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng. Chính sách xã hội dịp Tết được thực hiện "đúng, đủ, kịp thời", các địa phương trong cả nước đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng hỗ trợ trên 25 triệu lượt người. Đã có 6,5 triệu lượt đoàn viên công đoàn, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn với tổng nguồn kinh phí là trên 4.581 tỷ đồng…
Trong thành công chung của đất nước, có sự đóng góp tích cực, quan trọng, hiệu quả từ công tác phối hợp của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao và cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành có hiệu quả của Công đoàn Việt Nam, đoàn viên và người lao động cả nước thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Trong tổng số 10 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, có 7 nhiệm vụ đang tiếp tục phối hợp thực hiện. Bên cạnh đó, có 3 nhiệm vụ chưa được triển khai trên thực tế, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục khẩn trương triển khai: Về chính sách tín dụng cho người lao động nghèo vay vốn thông qua cơ chế cấp bù lãi suất; về thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật tạo hành lang pháp lý bảo vệ người lao động; về công bố "mức sống tối thiểu của người lao động".
Theo Thủ tướng, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Với tổ chức công đoàn thị trường lao động và quan hệ lao động với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ rất mới. Số lượng đoàn viên, người lao động ngoài khu vực nhà nước tiếp tục tăng nhanh, chiếm tỉ lệ lớn.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quán triệt chủ đề điều hành "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" đã được Chính phủ xác định tại Nghị quyết 01.
Định hướng phối hợp công tác thời gian tới, cơ bản thống nhất với đề xuất của Tổng Liên đoàn và phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.
Theo đó, các cơ quan, bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thủ tướng lưu ý, nguồn lực, thời gian có hạn, yêu cầu thì cao, phải chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, thực chất, mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động. Năm 2023, Thủ tướng đề nghị tập trung, ưu tiên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực cho 3 công việc trọng tâm, đột phá.
Thứ nhất là tăng cường tạo công ăn, việc làm cho công nhân, người lao động thông qua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn liên quan các thị trường, hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn; đồng thời nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Thứ hai là giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân "an cư lạc nghiệp". Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo.
Thứ ba là từng bước giải quyết, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo trực tiếp.
Thủ tướng yêu cầu 3 Phó Thủ tướng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động và các bộ, ngành, tổ chức các cuộc làm việc cụ thể về các nội dung này và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm:
(Nguồn: VTV4)