Liên hệ với Thanh, anh cho biết: “Tôi luôn mong muốn biến các thứ vứt đi thành sản phẩm có giá trị và bảo vệ môi trường. Nên tôi thu mua đống chai, lọ và mảnh vỡ thủy tinh này về để trong nhà để sáng tạo dần”. Một phẩn anh muốn tái chế lại các đồ vứt đi, phần khác anh muốn truyền cảm hứng cho mọi người biết tận dụng các đồ tái chế để ứng dụng trong cuộc sống. Hiện, anh đã thu mua hàng nghìn chiếc chai, lọ bằng thủy tinh và để tại nhà của mình.
Những chiếc chai, lọ thủy tinh được anh Thanh biến chúng thành sản phẩm có giá trị cao.
Anh kể trước đây bản thân từng làm tranh sỏi nên có nghiên cứu nhiều. Anh biết đến sỏi quay, tức là sỏi được đưa vào trong một chiếc máy để quay trong vài tiếng, sẽ ra được những viên ưng ý để làm tranh. Sau đó, anh vô tình phát hiện ra thủy tinh cũng có thể quay được nên anh thử cho vào máy.
“Tôi tự nghiên cứu ra chiếc máy quay thủy tinh để tạo ra những mảnh được mài nhẵn và có kích thước phù hợp làm sản phẩm. Sau quá trình làm và cải tiến nhiều lần, chiếc máy cũng hoàn thiện hơn rất nhiều, thời gian quay thủy tinh cũng không còn quá dài”, anh cho hay.
Khi đã hoàn thiện chiếc máy, anh bắt đầu thu mua nhiều mảnh, chai, lọ bằng thủy tinh để về làm các sản phẩm như: tranh treo tường, lọ hoa, đèn, chậu cây, bể cá mini... Tuy nhiên, kinh phí không nhiều nên anh chưa thể mở rộng được và phát triển đa dạng các sản phẩm.
Chiếc chậu cây bằng thủy tinh có bọc len để tránh vỡ.
Chiếc đèn để bàn được làm từ chai rượu bằng thủy tinh.
Anh cho biết thời gian làm sản phẩm khá ít, chỉ khoảng 1-1,5 giờ đồng hồ nhưng thời gian quay thủy tinh mới lâu. Anh Thanh chia sẻ: “Để có làm ra một bức tranh băng các mảnh thủy tinh, tôi phải đem quay khoảng 5-10 kg mới có thể lựa chọn các viên ưng ý. Mỗi lần quay mất từ 8-10 tiếng đồng hồ”.
Khó khăn lớn nhất khi làm sản phẩm này là màu sắc của thủy tinh. Theo anh, một số màu rất khó kiếm như: đỏ, cam, hồng, tím... Một số màu này tìm khá khó vì có những bát, đĩa, chai, lọ nhìn là thủy tinh màu đó nhưng thực tế màu là do sơn. Nếu là sơn màu, khi đem quay sẽ biến hết thành màu trắng. Vì thế, anh phải học cách tìm kiếm và nhận biết đâu là thủy tinh màu và đâu là loại được sơn.
Những mảnh thủy tinh vỡ còn được anh Thanh ghép thành bức tranh để treo tường.
Anh cho biết mỗi sản phẩm làm từ mảnh thủy tinh vỡ có giá bán khác nhau, đắt nhất là bức tranh có giá dao động từ 650.000 - 1 triệu đồng/bức, còn chậu cây được bọc len bên ngoài có giá bán từ 70.000 – 80.000 đồng/chậu...
Theo anh, những sản phẩm này chi phí làm khá thấp nhưng công sức bỏ ra rất nhiều. Vì thế, mặt hàng này rất kén khách, người nào thực sự cảm thụ được nghệ thuật mới dám bỏ tiền ra mua.
Trong tương lai, anh cũng muốn có thể phát triển hơn nữa về mảng này, ứng dụng nhiều trong cuộc sống như: làm tranh trên tường, trang trí vườn nhà, làm dòng suối trong khuôn viên nhà... bằng thủy tinh. Tuy nhiên, anh cần có những người bạn cùng chí hướng, đam mê và có kinh phí để duy trì và mở rộng về những sản phẩm làm từ mảnh thủy tinh vỡ.