Chiều 24/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) có bố cục gồm 4 chương, 65 điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Mục tiêu sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thảo luận về dự thảo, các đại biểu cho rằng, rất đông người chơi tiền ảo, đây là nơi có thể trở thành điểm rửa tiền nhiều nhất, tuy nhiên dự thảo lại chưa quy định vấn đề này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ, chiều 24-10. Ảnh: QUANG PHÚC |
Phát biểu về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu rằng, dù tiền ảo ở Việt Nam chưa được công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch, vẫn được sử dụng, do đó cần nghiên cứu có chế tài. Theo Thủ tướng, dù chúng ta chưa công nhận nhưng trên thực tế có giao dịch. Khi chưa được pháp luật công nhận thì phải có cách xử lý thế nào cho phù hợp, nên giao Chính phủ quy định để đáp ứng với thực tế diễn biến rất nhanh.
Cũng về vấn đề tiền ảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là khái niệm chưa có trong các quy định pháp luật tiền điện tử, thậm chí có cả những quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh và đảm bảo vai trò của đồng tiền điện tử. Đây là khái niệm rất mới, do vậy dự thảo luật cần phải định nghĩa và quy định thật cụ thể về nội dung này.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để quy định một số nội dung có liên quan đến tiền điện tử theo hướng kiểm soát được hành vi rửa tiền từ các đối tượng có yếu tố nước ngoài, nhất là đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ, quản lý kinh tế đã có công nhận pháp lý với tiền điện tử dựa trên cơ sở căn cứ pháp luật trong nước để đảm bảo tính khả thi và tương thích.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng đề nghị ban soạn thảo cần phải làm rõ cơ sở hợp lý để nghi ngờ và trì hoãn giao dịch, nếu không sẽ mang cảm tính và rất dễ bị lạm dụng. Nên quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật để bảo đảm không hạn chế quyền con người và đồng thời phù hợp với Hiến pháp 2013. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng cần có những quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong và phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo minh bạch, rõ ràng và tránh lạm quyền.
Dự luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại nghị trường ngày 1/11 và thông qua vào cuối kỳ họp thứ 4.