Ngày 27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vi phạm trong sử dụng kinh phí chống dịch COVID-19.
Xét đề nghị của Bộ Công an về tình hình vi phạm trong việc sử dụng kinh phí chống dịch COVID-19 tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng nhấn mạnh việc thanh tra các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao.
Thiết bị máy xét nghiệm tự động phòng, chống dịch COVID-19. |
Thủ tướng yêu cầu, khi thanh tra phát hiện nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội (thuộc sở Y tế Hà Nội).
Đồng thời quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Nhật Cảm (57 tuổi, Giám đốc CDC Hà Nội) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Cùng tội danh trên, cơ quan điều tra cũng khởi tố 6 bị can khác gồm Nguyễn Vũ Hà Thanh (41 tuổi, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội); Đào Thế Vinh (45 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam); Nguyễn Trần Duy (40 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành); Nguyễn Ngọc Nhất (34 tuổi, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech); Nguyễn Thanh Tuyền (35 tuổi, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) và Lê Xuân Tuấn (38 tuổi, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội).
Quá trình điều tra bước đầu xác định các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Ngay sau khi xảy ra sự việc tại CDC Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng được phát hiện đã mua máy xét nghiệm COVID-19 với mức giá cao trong khi một số địa phương lại mua với mức giá rất thấp.
Ngày 24/4, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương và nhiều bệnh viện bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả hợp đồng đã được ký trong 2 năm (từ 1/3/2018 đến 29/2).
Các tài liệu đề nghị photocopy, đóng dấu sao y bản chính và gửi kèm báo cáo về Bộ Y tế gồm: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên.
>>> Mời độc giả xem video CDC Hà Nội "hô biến" máy xét nghiệm từ 2,3 tỷ lên 7 tỷ đồng
Nguồn: VTC Now.