Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 2/4, PV đã đề cập việc Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo nhà tư vấn Pháp, nhưng Bộ GTVT vẫn chậm trễ thực hiện. Trong khi Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam - ACV là doanh nghiệp cổ phần có yếu tố nước ngoài nên việc giao đất cho ACV là rất khó. Việc giao đất phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, Bộ GTVT không thể nói chọn ACV là có thể chọn ngay được.
Từ đó, đặt ra câu hỏi, không hiểu sao Bộ vẫn ưu ái “con đẻ” ACV xây dựng Nhà ga T3, Tân Sơn Nhất? Quan điểm của Chính phủ là có giao cho ACV không, có đấu thầu để bảo đảm các yếu tố khách quan không?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã giải đáp câu hỏi của báo chí về việc triển khai đầu tư, xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cũng như lý do Bộ GTVT trình Chính phủ việc giao ACV đầu tư nhà ga T3.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – (ACV). |
Liên quan đến điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT sử dụng tư vấn ADPi của Pháp để nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, trong quá trình đó, song song giao tư vấn ADDC của Việt Nam thực hiện.
“Bộ GTVT báo cáo lên các cấp thẩm quyền. Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng đã chỉ đạo họp một số lần, cơ bản khẳng định rằng ý tưởng, đề xuất của công ty Pháp với quy hoạch được duyệt cơ bản giống nhau ở những khâu chức năng, xây dựng thêm kết cấu hạ tầng, quy mô đề xuất dừng ở mức độ nào. Ví dụ, chỉ dừng lại ở 50 triệu hành khách/năm để cùng song hành với CHK Long Thành, không làm thêm đường băng thứ 3, cũng như xây dựng thêm nhà ga quốc tế và quốc nội để đảm bảo đáp ứng lượng 50 triệu hành khách/năm”, Thứ trưởng Đông cho biết.
Về phân khu chức năng tương tự nhau, chỉ có điều khác nhau về phần đất, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, nhìn chung tư vấn của Pháp đề cập nhiều đến vấn đề sở hữu đất, có khả năng tiếp cận lấy được đất không.
“Thực tế, đất ở khu vực xây dựng nhà ga T3 đang đề cập, cũng như khu vực phía nam liên quan đến đơn vị quân đội, nhà máy… không có khả năng di dời. Tất cả đều có xem xét ý kiến của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, trước khi lập phương án trình Bộ Công Thương phê duyệt”, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.
Liên quan đến đơn vị nâng cấp, cải tạo nhà ga T3, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin, ngày 26/3, Bộ GTVT có văn bản chỉ đạo, phân tích rất nhiều phương án như đề xuất dùng vốn của ACV để xây dựng hoặc dùng vốn Ngân sách Nhà nước hoặc dùng ACV kết hợp với các đơn vị khác để đầu tư theo PPP.
Bộ GTVT đề xuất giao cho ACV trên cơ sở xem xét các yếu tố liên quan đến.
Thứ nhất, hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao cho ACV khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước chứ không chỉ riêng cảng hàng không này. Đơn vị quản lý khai thác từ trước đến giờ theo nhu cầu và quy hoạch phê duyệt sẽ đầu tư nhà ga. Thực tế nhiều nhà ga đã được đầu tư xây dựng trong những năm vừa qua do ACV đứng ra xây dựng, huy động nguồn vốn của doanh nghiệp. Đây là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư.
Lý do thứ 2, theo Thứ trưởng Bộ GTVT phương án này sẽ tạo thuận lợi cho quản lý khai thác vì chúng ta phải theo luật chơi chung quốc tế, quy định 1 cảng hàng không thì một nhà khai thác.
“Dù có làm thêm nhà ga này kia vẫn phải có một đầu mối chứ không phải 1 cảng hàng không 2-3 đường băng, bao nhiêu cửa ra là mỗi kiểu khai thác. Còn người đầu tư thì có thể có nhiều dạng: Đầu tư tài chính, liên kết đầu tư…”, Thứ trưởng Đông nói.
Một lý do khác được lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra, thực tế, 21 cảng hàng không không phải cảng nào cũng có lãi, nhiều năm qua chỉ có Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Phú Quốc là những cảng có lãi trong kinh doanh. Còn những cảng Điện Biên, Cà Mau và rất nhiều cảng khác đang bị lỗ, phải điều tiết chuyển từ phần lãi sang phần lỗ để điều hòa hoạt động chung của các cảng. Đó là yếu tố để cân nhắc, so sánh và kiến nghị.
“Điều cuối cùng là xem xét nếu giao cho đơn vị này thực hiện sẽ thuận lợi cho việc tổ chức lập ngay dự án vì trong qua trình quản lý của ACV, khi chuyển cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng đã có kế hoạch năm 2018 ACV nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà ga T3. Như vậy việc tổ chức xây dựng như đấu thầu, chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện nhanh nhất. Từ đó chúng tôi đưa ra kiến nghị”, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Mới đây, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra nhiều sai phạm tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong quá trình hoạt động về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế.
Dư luận cho rằng, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam - ACV được ưu ái khi Bộ GTVT trình Chính phủ giao cho ACV thực hiện mở rộng CHK Tân Sơn Nhất.