Tiền trong thẻ giao thông sao không được tính lãi?
Tại buổi triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chiều qua, Tổng giám đốc công ty TNHH thu phí tự động VETC Nguyễn Mạnh Hà cho biết, việc dán thẻ VETC sẽ thay thế cho vé giấy.
Khi đăng ký dán thẻ và mở tài khoản giao thông không dừng, thay vì phải dừng đỗ trả tiền xé vé tại các trạm BOT như hiện nay, chủ phương tiện có thể lưu thông qua với tốc độ 60-80 km/h và trừ tiền qua tài khoản đó.
Ông Hà cũng nói rõ, chủ phương tiện có thể nạp qua chuyển khoản ngân hàng, qua điểm dịch vụ của VETC tại các trung tâm đăng kiểm, tại các quầy Vietel...
Riêng nạp tiền qua chuyển khoản ngân hàng, chủ phương tiện phải mất phí theo quy định. Nếu mức phí nạp tiền vào tài khoản giao thông trên 3 triệu đồng thì sẽ không mất phí chuyển khoản.
Nhiều chủ phương tiện chưa mặn mà với thu phí tự động không dừng |
Giám đốc công ty Vận tải và dịch vụ công cộng Bắc Ninh Nguyễn Mạnh Vinh băn khoăn, hiện nay DN có hàng trăm xe, trong khi phí chuyển khoản với mức dưới 3 triệu đồng DN phải chịu. Vậy liệu số tiền nạp vào tài khoản của VETC, chủ phương tiện có được tính theo lãi suất ngân hàng?
Về vấn đề này, ông Hà cho biết, VETC chỉ đứng ra làm dịch vụ thu thay cho các trạm BOT, tiền của chủ phương tiện sẽ được chuyển thẳng về nhà đầu tư BOT và ngân hàng. Do vậy, VETC không thể tính lãi trong tài khoản giao thông cho chủ phương tiện.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Phan Thị Thu Hiền, hiện nay tiền trong thẻ VETC có được tính lãi suất hay không, Bộ GTVT đang làm việc với ngân hàng để tạo lợi ích lớn nhất cho DN.
Tuy nhiên, việc nạp tiền này cũng như việc nạp thẻ điện thoại hiện nay, không được tính lãi.
Về ý kiến chuyển khoản mới chỉ được thực hiện qua ngân hàng BIDV sẽ gây bất tiện cho DN, đại diện đơn vị thu phí cho biết, sẽ làm việc với các ngân hàng để chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thuận tiện hơn.
Một tài khoản sử dụng cho nhiều xe
Ông Lê Quang Hưng, Gián đốc công ty TNHH vận tải Thăng Long - đơn vị hoạt động vận tải taxi băn khoăn, hiện nay DN có cả xe cổ phần, xe bán thương quyền nên sẽ gặp khó trong quản lý, bởi lẽ không thể mở hàng trăm tài khoản cho mỗi xe được.
Về vấn đề này, ông Hà nói rõ, một tài khoản thanh toán được cấp có thể sử dụng cho nhiều xe. Nhưng đối với những trường hợp DN có nhiều thành phần xe liên kết (xe cổ phần), VETC sẽ phối hợp làm phầm mềm quản lý riêng để việc chi trả của DN thuận lợi.
Đối với những đơn vị vận tải có nhiều xe, DN hoàn toàn có thể trả tiền qua trạm BOT không dừng bằng hình thức trả sau nếu được ngân hàng bảo lãnh.
Nhiều tiện ích nên phải triển khai sớm
Bà Thu Hiền thông tin, đến cuối năm nay, 25 dự án BOT trên QL1 và một số trạm trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải thực hiện thu phí không dừng. Do vậy, nếu xe không dán thẻ tự động sẽ bất tiện cho việc lưu thông.
Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, Bộ GTVT đang làm việc với các ngân hàng để tạo thuận tiện cho DN trong việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng |
Nhiều nhà đầu tư BOT không muốn thu phí không dừng, nhưng qua đây có thể giám sát được mức thu tại các trạm công khai, minh bạch, từ đó có dự án giảm được thời gian thu phí.
Ngoài ra, theo bà Hiền, việc thu phí này còn giảm được ùn tắc tại các cửa ngõ đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, đồng thời góp phần giảm được chi phí cho DN, cho chủ phương tiện.
“Thu phí tự động không dừng thuận tiện cho quyết toán DN, thay vì phải cử người đến các trạm BOT làm như hiện nay. DN có thể ngồi tại nhà mua vé tháng thuận tiện và lấy hoá đơn điện tử làm quyết toán”, bà Hiền nói.
Thêm vào đó, thu phí tự động đi từ Đà Nẵng ra Hà Nội và ngược lại tiết kiệm được 3 tiếng so với hiện nay.