Me rừng cao 5-7m, lá nhỏ xếp xít nhau thành 2 dây giống hệt lá me thông thường. Mùa ra hoa kết trái của loại quả này là vào tầm tháng 4 đến tháng 5 hằng năm. Quả me rừng khi mới ăn sẽ có vị chua, chát nhẹ và đăng đắng nhưng sau đó sẽ thấy ngọt dần ở đầu lưỡi và cuống họng nên ăn rất lạ miệng. Ngày xưa, loại quả này thường được người dân đi rừng khai hoang hái ăn để lấy sức, chỉ cần ăn me rừng với uống nước suối sẽ hết khát.
Quả me rừng là món ăn đặc sản của núi rừng Tây Bắc.
Ngoài công dụng để “ăn chơi” như một loại trái cây, bà con đi rừng hái quả me rừng về thường để ngâm với muối, riềng để bảo quản và ăn dần cả năm. Me rừng còn có thể nấu canh, kho cá, ngâm rượu, pha nước uống, nấu nước trà… Nhiều năm trở lại đây, quả dại này “xuống phố”, được chế biến thành các món ăn vặt như me rừng làm ô mai, làm mứt me rừng, me rừng ngâm đường, nghiền thành bột me rừng pha nước uống giải khát hoặc làm gia vị.
Đặc biệt, quả me rừng “lên đời” tại các thành phố lớn được lùng mua với giá khá đắt, từ 100-500.000 đồng/kg, tùy thuộc vào cách chế biến. Cụ thể, me rừng được rao bán khắp nơi trên các chợ mạng: Quả tươi có giá 100.000 đồng/3kg, ô mai me rừng có giá 110.000 đồng/kg, đắt nhất là bột me rừng có giá 500.000 đồng/kg hoặc 159.000 đồng/túi 200gr.
Me rừng được bán với giá khá đắt, tùy vào cách chế biến món ăn.
Dù giá cả khá đắt song me rừng vẫn luôn “cháy hàng” vì nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn. Chuyên thu mua và buôn bán các loại quả rừng trên địa bàn huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), chị Chu Thị Thắng cho biết: “Gần đây nhiều người ở thành thị đặt mua thường xuyên, có đơn đặt hàng là tôi lại báo người dân đi hái, chỉ cần báo trước một ngày thì lấy cả tạ cũng có. Không tính bán lượng quả tươi, chỉ tính bán lượng quả me rừng ướp sẵn thì cứ 2-3 ngày nhà tôi bán hết một mẻ mắc kham 50kg. Một tuần bán được khoảng 1-1,5 tạ mắc kham ướp”.
Lý giải cho lý do ngày càng nhiều người biết đến và săn lùng quả me rừng, chị Thắng cho biết người ta đã biết tới công dụng của loại quả này. Theo nghiên cứu, quả me rừng chứa acid phyllemblic (6,3%), lipid (6%) acid gallic (5%) và emblica. Bên cạnh đó, me rừng là nguồn nguyên liệu tự nhiên của vitamin C, còn có acid mucic tham gia vào quá trình chuyển hóa cholesterol, giúp khoảng 80% cholesterol chuyển hóa thành hợp chất tan trong nước, có thể dễ dàng bài tiết ra bằng đường nước tiểu.
Trong Đông y, quả me rừng có vị chua, ngọt, đắng, tính mát, thường dùng chữa cảm mạo phát sốt, ho, đau cổ họng, miệng khô khát.
Thêm vào đó, trào lưu các món rau rừng, quả rừng ngày càng được ưa chuộng vì các loại cây này hoàn toàn sạch, không sử dụng các phương pháp hóa học trong canh tác. Đặc biệt, me rừng là loại quả hái ở trên rừng, không có tác động của con người trong việc nuôi trồng nên người dùng rất an tâm sử dụng.