Sáng 18/11, các trinh sát phòng 6, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về tham nhũng (C74) Bộ Công an phối hợp với Công an quận Tân Bình và Trung tâm An ninh sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra hành lý mang theo người của hành khách Nguyễn Đức Nguyên (29 tuổi, trú tại Diễn Châu, Nghệ An) đi trên chuyến bay VN1263 từ TP Vinh vào TP.HCM.
Qua kiểm tra, lực lượng phối hợp phát hiện bên trong thùng hành lý có chứa chiếc sừng nghi là tê giác còn nguyên vẹn và hai miếng nhỏ khác đã được cưa vuông vức với tổng trọng lượng 4 kg cùng một số miếng nghi là cao động vật hoang dã.
Trong quá trình làm việc với cơ quan công an, Nguyên đã liên tục cáo đau bụng và cố thủ trong nhà vệ sinh. Đến khi cơ quan công an yêu cầu hợp tác thì anh ta tung cửa chạy, nhưng bị lực lượng chức năng bắt giữ. Sau đó, Nguyễn Đức Nguyên vẫn tiếp tục giở chiêu trò cho rằng số mẫu vật trên là giả được một người bạn thân nhờ mang vào giao cho một người ở TP.HCM để trưng bày.
Chỉ đến khi kết quả giám định nhanh của Phân viện Khoa học hình sự phía Nam cho thấy những mẫu vật trên là sừng của loại tê giác hai sừng có nguồn gốc từ châu Phi thì Nguyên mới khai nhận hành vi vận chuyển trái phép của mình.
Nguyễn Đức Nguyên và chiếc sừng tê giác bị thu giữ. |
Theo lời khai của Nguyên, số sừng tê giác trên có giá trị hàng tỷ đồng do một người quen tên Thắng ở TP.HCM nhờ mang từ Nghệ An vào. Trước giờ bay một giờ, khi Nguyên đến sân bay Vinh thì Thắng gọi điện cho một người làm an ninh sân bay (không rõ họ tên) đưa tất cả hành lý cùng thùng đựng sừng tê giác qua máy soi chiếu. Không thấy ai hỏi gì nên Nguyên gom các thùng hàng và hành lý đi thẳng vào trong chờ lên máy bay.
Trong toàn bộ quá trình làm các thủ tục, Thắng liên tục gọi điện thoại để kiểm tra tình hình. Khi biết đã lọt qua cửa an ninh soi chiếu, Thắng dặn Nguyên khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì thông báo để anh ta cho người ra đón. Nguyên chưa kịp liên lạc thì bị cơ quan công an phát hiện.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã có văn bản đề nghị Cục C74B và Công an quận Tân Bình báo cáo nhanh vụ việc và phối hợp chặt chẽ để điều tra xử lý theo pháp luật.
Trước đó, tối 24/11, hải quan TP.HCM đã quyết định phối hợp với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu và các lực lượng liên quan thực hiện khám xét 2 container hàng nhập khẩu tại cảng Cát Lái. Kết quả lực lượng phối hợp lại tiếp tục phát hiện có nhiều ngà voi chứa trong ruột các khối gỗ.
Lô hàng này cập cảng Cát Lái ngày 18/11, trên vận đơn thể hiện là mặt hàng gỗ được nhập khẩu từ châu Phi về Việt Nam; người nhận hàng là Công ty TNHH dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa XNK Kim Thàn, có địa chỉ tại quận 2, TP.HCM. Phát hiện hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn chứa hàng lậu, hải quan đã tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ với lô hàng này.
Sau nhiều ngày doanh nghiệp không đến làm thủ tục, hôm 24/11, hải quan đã phối hợp khám xét lô hàng.
Qua khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện ngà voi được giấu trong ruột các khối gỗ khoét rỗng và được đổ sáp trắng chèn kín xung quanh. Đặc biệt, thủ đoạn cất giấu ngà voi của các nghi phạm trong vụ việc này tinh vi hơn rất nhiều các vụ nhập lậu ngà voi bị phát hiện trước đó khi nghi phạm không dùng ốc vít sắt mà dùng chất bằng gỗ để đóng nắp.
Theo lực lượng kiểm tra, phương thức mới của các nghi phạm hòng tạo ra khối gỗ liền lạc, tránh hình ảnh lạ qua máy soi. Mới chỉ kiểm tra sơ bộ, lực lượng phối hợp đã tìm được khoảng 500 kg ngà voi được cất giấu trong lô hàng này. Các khối gỗ nghi vấn còn lại sẽ tiếp tục được phá ra để lôi ngà voi đang cất giấu bên trong ruột.
Chỉ trong tháng 10 và 11, hải quan và các lực lượng phối hợp đã phát hiện 4 vụ ngà voi cùng vẩy tê tê nhập lậu về cảng Cát Lái với khối lượng lên tới trên 4 tấn. Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã ra quyết định khởi tố 2 vụ về hành vi "buôn lậu" và "vận chuyển trái phép ngà voi” để chuyển sang cơ quan công an tiếp tục điều tra, xử lý.