Kinh doanh cơm văn phòng luôn là mảng kinh doanh cực kỳ tiềm năng, bởi là món ăn truyền thống dễ ăn, không gây ngán, lại “chắc bụng” và có thể bán nhiều thời điểm trong ngày nên luôn có lượng khách dồi dào, rủi ro “ế” hàng rất thấp.
Thế nên hiện nay ở bất cứ góc phố nào tại Hà Nội cũng có thể thấy 2-3, thậm chí cả hàng chục quán cơm bụi phục vụ dân văn phòng. Cao cấp hơn là các nhà hàng cơm văn phòng, cơm tấm, cơm sườn, cơm gà… Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, cơm văn phòng cũng được bán theo hình thức online. Người bán chỉ cần ở nhà nấu nướng rồi thuê ship hàng trả đơn cho các khách hàng “lười” ra quán ăn.
Kinh doanh cơm văn phòng có thể mang đến lợi nhuận hàng trăm triệu/tháng |
Theo các chủ nhà hàng, mỗi suất cơm văn phòng có giá từ 40.000 – 70.000 đồng, tính ra lãi trên đầu mỗi suất cơm là rất thấp, nhưng vì lượng khách quá lớn nên mảng kinh doanh này vẫn thu được lợi nhuận cao. Các quán cơm bình dân trung bình có thể thu lãi từ 30 – 50 triệu đồng/tháng, cá biệt có nhà hàng có thể lãi đến 400 triệu đồng/tháng.
Sở hữu một quán cơm văn phòng tại khu đô thị Time City (Hà Nội), anh Cao Giang cho biết mảng kinh doanh này cực kỳ tiềm năng, mặc dù khách hàng của anh chủ yếu là cư dân thuộc Time City và một số khu vực lân cận. Theo anh Giang, kinh doanh cơm văn phòng thì thực đơn các món ăn không cần quá cầu kỳ, đặc sắc, như quán anh chỉ gồm khoảng chục món gồm cơm sườn, cơm gà, phở, bánh mỳ sốt vang… nhưng phải đảm bảo chất lượng thực phẩm, sạch sẽ, giá cả phù hợp, cơ hội thành công sẽ rất cao.
Bên cạnh đó, vị trí cửa hàng cũng đặc biệt quan trọng, quyết định 50% thành bại của chiến lược kinh doanh. Nhà hàng anh có yếu tố thuận lợi là cư dân của Time City rất đông, có mức thu nhập khá cao nên giá các món ăn tại nhà hàng của anh là phù hợp với túi tiền của họ. Chính vì khách hàng là người có thu nhập cao nên anh đặc biệt chú ý đến chất lượng các món ăn, làm sao mua được thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, làm sao chế biến phù hợp với khẩu vị của số đông khách hàng.
Anh Cao Giang cho biết vị trí nhà hàng và chất lượng món ăn là 2 yếu tố quyết định thành bại của chiến lược kinh doanh. |
Theo anh Giang, đảm bảo được các yếu tố trên thì 100% khả năng thắng lợi. Như nhà hàng của anh không hề cần đến quảng cáo, không bán hàng qua các app, mỗi ngày anh mở hàng từ 6:30 đến 21:30, trung bình anh bán khoảng 300 - 400 đơn hàng, cuối tuần số đơn hàng có thể lên đến 600 đơn. Doanh thu một tháng của anh khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ hết các chi phí, anh lãi khoảng 400 triệu đồng.
Cũng giống anh Cao Giang, chị Trần Thu Nga, chủ một quán cơm tấm sườn trên đường Kim Mã (Hà Nội) cho biết chị đã kinh doanh cơm tấm hơn 10 năm. Những năm đầu khi cơm tấm sườn và các nhà hàng, quán cơm chưa nở rộ như hiện nay thì lợi nhuận của chị cao hơn. Giờ đây, mỗi tháng doanh thu cửa hàng chị khoảng 600 – 800 triệu đồng, trừ đi các chi phí chị lãi khoảng 150 – 170 triệu đồng/tháng.
Chị Nga chia sẻ, vị trí quán ăn của chị không được đẹp lắm, diện tích hẹp, chỉ để được khoảng 8 bàn (mỗi bàn 4 người). Tuy nhiên, lượng khách online đặt qua Facebook và app rất lớn. Mỗi ngày trung bình chị bán khoảng 150 – 200 đơn hàng. “Khách ăn một lần họ thích là sau họ không cần ra cửa hàng nữa, gọi đến nhà hàng ship món ăn về công ty hoặc đặt qua app để được giảm giá thôi. Thế nên quan trọng vẫn là chất lượng món ăn, làm sao để ngon, sạch sẽ, đầy đặn là đã chiếm đến 70% thành công rồi”, chị Nga cho biết.