Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 30/11, Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ 439/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 91,65% tổng số đại biểu Quốc hội.
Trước khi biểu quyết thông qua luật, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: QH. |
Đối với thị trường điện kỳ hạn là vấn đề mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm ở Việt Nam, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, do đó, Luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Về chính sách phát triển điện lực, đối với phát triển điện hạt nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chính sách quy định cụ thể về đầu tư, xây dựng dự án điện hạt nhân đã được quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử.
Do vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thống nhất với ý kiến Chính phủ chỉnh lý, Luật Điện lực (sửa đổi) chỉ quy định chung về quy hoạch phát triển điện hạt nhân.
Về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, một số ý kiến ĐBQH đề nghị tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ để không xảy ra các sai phạm trong thời gian trước hoặc xảy ra việc trục lợi chính sách, hợp pháp hoá sai phạm các dự án điện năng lượng tái tạo.
Ông Huy cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm các nội dung trong dự thảo Luật không quy định hoặc có quy định liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo đang thuộc diện thanh kiểm tra, điều tra, không hợp thức hóa sai phạm.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định tại Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (từ Điều 20 đến Điều 29), bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.