Ngày 29/11, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết vừa cứu bệnh nhi N.N.A. (7 tuổi, ngụ tại quận 9, TP.HCM) bị hóc dị vật khá hi hữu.
Trước đó được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ho có đờm, điều trị hơn một tháng nhưng không khỏi. Theo mẹ của bé A., bệnh nhi có thói quen hay cắn bút khi ngồi học.
Qua quá trình thăm khám, chụp CT, các bác sĩ phát hiện dị vật ở dưới thùy phổi phải. Sau khi nội soi phế quản để gắp dị vật, các bác sĩ gắp được dị vật là ngòi bút chì dạng lắp ghép.
Bác sĩ Lại Lê Hưng, khoa Hô Hấp 1, người trực tiếp điều trị cho bé A cho biết, bệnh nhi may mắn được phát hiện kịp thời. Nếu không bé sẽ bị viêm phổi kéo dài vì carbon trong đầu bút chì có thể gây kích thích tạo đờm nhớt, mủ nhiều hơn, gây viêm phổi nặng, hoại tử, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết.
Dị vật là ruột bút chì được lấy ra. |
BS Hưng chia sẻ, trẻ hóc dị vật rất đa dạng, từ các loại hạt (hạt dưa, hạt bí, hạt đậu phộng, hạt hướng dương), thực phẩm mềm (rau câu, hạt trân châu...), các loại xương như xương cá, xương heo cho đến đồ chơi, vật dụng, đèn led, đầu bút, đinh ốc…