Sau bài viết về thời nhỏ bị cấm đi hát của Vũ Linh, Tiền Phong tiếp tục câu chuyện thời đi hát hoàng kim của ông hoàng cải lương Hồ quảng Vũ Linh bằng chính lời kể của nam nghệ sĩ khi còn sống.
Không phải ngẫu nhiên Vũ Linh được mệnh danh là "ông hoàng cải lương" thập niên 1990. Lượng video cải lương, suất hát của ông lên đến vài nghìn, mỗi buổi diễn đều ngập trong "biển người" đúng nghĩa với hơn 10.000 khán giả, dù đó chỉ là đoàn hát ở tỉnh.
"100 năm sau cũng không ai trong giới cải lương lập được kỷ lục như Vũ Linh", một khán giả bình luận.
Thông tin NSƯT Vũ Linh qua đời khiến khán giả tiếc nuối. Ảnh: Phạm Nguyễn. |
Sau khi đầu quân cho đoàn hát Hoa thế hệ, sau đó được Diệu Hiền dìu dắt, chỉ cho từng ngón nghề từ cách hát, cách cười, điệu bộ võ thuật trong nghề, Vũ Linh bắt đầu tỏa sáng.
Trong cuộc trò chuyện, hồi tưởng kỷ niệm cùng nghệ sĩ Hồng Nhung và nghệ sĩ Linh Tâm, Vũ Linh nói ông bắt đầu nổi tiếng khi trở về TPHCM, đầu quân cho hai đoàn hát Hồ quảng nổi tiếng nhất bấy giờ là Huỳnh Long và Minh Tơ.
"Cậu Năm nổi tiếng với vai Triệu Tử Long trong Về đất Kinh Châu. Cậu Năm ca khán giả vỗ tay muốn bể rạp. Sau đó hát nhiều vai như Cao Quân Bảo trong Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu...", Vũ Linh kể.
Vũ Linh - Tài Linh đứng đầu thời kỳ hoàng kim của cải lương những năm 1980-1990. |
Thời đó, đoàn Huỳnh Long có kép chính là Đức Lợi (chồng cố nghệ sĩ Bạch Mai, cha ruột Bình Tinh). Nhưng trước sự xuất hiện của Vũ Linh, ông phải nhường hào quang nổi tiếng cho kép trẻ. Điệu bộ, vũ đạo sân khấu của Vũ Linh được trui rèn qua những năm bôn ba đoàn tỉnh, kèm với gương mặt sáng đẹp, giọng hát "lạ", âm vang khiến Vũ Linh nổi như cồn.
"Khán giả ngày xưa gắt gao. Cậu Năm nhớ khi hát xong, Đức Lợi ra hát bị khán giả đuổi vào. Vào hậu trường, anh Đức Lợi tiếp tục bị nhân viên xài xể. Khó lắm", Vũ Linh kể.
Dù đang nổi như cồn ở TPHCM, "muốn gì cũng được", Vũ Linh phải trở về kiếp lưu diễn ở các đoàn tỉnh theo lời của mẹ vì bà muốn ông dùng tên tuổi đưa em gái đi hát - người sau này nổi tiếng ở các đoàn tỉnh với cái tên "đào đẹp" Hồng Nhung.
NSƯT Vũ Linh nhớ lại đêm diễn không bao giờ quên ở Đầm Môn (Khánh Hòa). Vũ Linh là người không ngại đi diễn ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, dù lội bộ hay phải ngồi thuyền, băng qua sông ướt áo, ông vẫn chấp nhận đi hát. Nhưng, bầu show phải đảm bảo đêm diễn đó có khán giả.
Nhưng khi bước đến sân khấu sau một hồi chật vật, Vũ Linh chỉ muốn bỏ về vì bên ngoài không có ai ngoài "bà già bán khoai lang, đậu phộng".
"Cậu lúc đó muốn bỏ về cho rồi. Hát cho dê cọp nghe hay gì? Tới chừng vén màn lên, trời ơi cậu muốn xỉu, 12.000 khán giả, tưởng tượng được không? Vậy mà họ ngồi im phăng phắc để đợi cậu Năm diễn. Quá sức tưởng tượng", Vũ Linh kể.
Đoàn hát cho biết nếu Vũ Linh chịu đến sớm hơn sẽ chứng kiến cảnh khán giả cầm đuốc theo (thời đó chưa có đèn điện nhiều), cảnh không khác gì rừng đuốc thời cách mạng. Họ cũng không ngại mang quần áo theo thay vì lội ngang suối, chỉ vì muốn được nghe Vũ Linh hát ngoài đời thực.
"Những năm 1990, cụ thể năm đó là 1992, khán giả đông lắm, 10.000-12.000 người là bình thường. Thời đó giá vé chỉ khoảng 10.000 đồng, có cậu là 15.000 đồng. Bầu show sau đó trả cậu 15 triệu đồng tiền cát-xê. Con nghĩ đi, 50.000 đồng là mệnh giá tiền lớn nhất mà lương 15 triệu đồng, khủng khiếp đến cỡ nào", Vũ Linh nói.
Ông hoàng cải lương hồ quảng cho biết sau đêm hát, có đến ba người đếm tiền, đếm từ đêm đến sáng mới xong. Tiền phải đựng bằng bao do quá nhiều. "Hát chừng hai ngày là bốn đứa đi theo cậu ngồi đếm tiền. Đếm từ trưa đến chiều tối, tới khi nào đi hát thì thôi", Vũ Linh hồi tưởng lại thời hoàng kim của sân khấu cải lương.
Tỏa sáng trên sân khấu là một chuyện, ông hoàng cải lương hồ quảng còn thống trị mảng video cải lương. Những năm 1990, sau thời kỳ phim Hong Kong thịnh hành, khán giả Việt trở lại với cội nguồn, bắt đầu xem cải lương bằng hình thức thuê băng, đĩa. Đó cũng là lúc những cái tên như Vũ Linh, Tài Linh, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Phương Hồng Thủy... tỏa sáng.
"Cái mặt nửa tháng trời không chùi, chỉ tẩy trang môi để húp cháo, sau đó quay tiếp. Người ta thích đi Vũng Tàu, Đà Lạt chứ cậu nghe tới hai tiếng Vũng Tàu cậu ớn tới già. Cậu quay 'nát bét' mấy cái biệt thự ngoài đó", Vũ Linh nói.
Vũ Linh cho biết ông được đặc quyền ngồi trong phòng thu, ngồi từ 8h sáng đến 22h đêm, mix cùng lúc 7 tuồng. Sau khi thu tiếng trong phòng thu, Vũ Linh phải quay 21 ngày liên tục, mỗi tuồng quay 3 ngày.
Quay video liên tục, Vũ Linh đặt riêng hai thợ may chỉ chuyên may riêng cho mình. "Thợ may may 40 chiếc áo sơ mi trong vòng 3 ngày, mang lên đến Đà Lạt cho cậu quay trên đó. Hai đứa may vẫn không kịp cho cậu quay video", ông chia sẻ.
Vũ Linh cho biết ông không có thời gian ngủ, thèm ngủ hơn bất kỳ thứ gì khác. Chỉ cần nghe "Anh Linh ơi cảnh này không có anh", ông vọt lên xe, bật máy lạnh, không cần biết ngoài kia làm gì. Gương mặt của ông không tẩy trang, chỉ dặm phấn sau đó tiếp tục quay.
"Cậu cũng không dám ăn dù rất thèm, sợ bụng bự xấu, về tới nhà mới ăn. Chỉ cần về tới nhà, vừa cởi giày, chưa kịp cởi vớ, cậu leo lên xe ngủ thẳng giấc, không cần biết ai làm gì làm", Vũ Linh nói thêm.
Những câu chuyện của NSƯT Vũ Linh giúp khán giả hình dung được thời hoàng kim của sân khấu cải lương. Trong dòng chảy của 100 năm cải lương miền Nam, sau thời kỳ vàng của thế hệ Minh Vương, Lệ Thủy Minh Cảnh, Minh Phụng Mỹ Châu, Bạch Tuyết... thời kỳ video cải lương và cải lương hồ quảng do NSƯT Vũ Linh đứng đầu.
Tin tức Vũ Linh qua đời trưa 5/3 sau thời gian chống chọi bạo bệnh khiến nhiều nghệ sĩ tiếc nuối. Nhiều năm qua, ông không đi hát, dành thời gian trị bệnh. Theo NSƯT Vũ Luân, trong thâm tâm ông luôn muốn khỏe mạnh để đi hát, truyền lửa cho các thế hệ sau.
Sau một ngày diễn ra tang lễ, lượng người đổ về tang lễ của NSƯT Vũ Linh tăng chóng mặt. Người dân xếp hàng dài đến 1 km để chờ vào thắp nhang cho thần tượng.
Tối 6/3, nhiều nghệ sĩ gạo cội của cải lương miền Nam đến viếng Vũ Linh, trong đó có NSND Lệ Thủy, NSND Trọng Hữu, NSND Ngọc Giàu, NSND Kim Cương, NSƯT Diệu Hiền, NSƯT Kim Tử Long, Quế Trân...