Người xứ ta thật vô tình, thường cái gì thích thì làm, chỗ nào tiện thì đi, bất cần bất kể. Ở phố, người đi xe máy, hễ ùn tắc là trèo lên vỉa hè đi. Người ở quê thì thả sức phóng xe từ ngõ ra đường, rẽ phải, rẽ trái chẳng xi nhan. “Nết đi” là vậy! “Nết nói” thì chuyện lạ - thích nghe, nghe 1 nói 10, không cần kiểm chứng. Tin lành đã vậy. Tin dữ thì càng quá thể hơn, cứ cái thói “ba hoa chính chòe”, “thêm mắm dặm muối” không nghĩ đến hậu quả thế nào. Và không ít lần thói “ba hoa” ấy, đã quật ngã người nông dân về việc làm, thu nhập.
Nhớ lại hồi tháng 6/2014, giá khoai lang ở ĐBSCL từ 800 - 840 ngàn đồng/tạ rớt xuống còn 350 – 370 ngàn đồng/tạ, khiến nông dân điêu đứng. Nguyên nhân được xác định là do tin đồn trời ơi đất hỡi: “cửa khẩu biên giới bị đóng”. Mới đây, nhiều trang mạng xã hội tung tin ăn, uổng sản phẩm đậu nành bị ung thư, làm cho nông dân Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định) và vùng Nam Bộ phải nhổ hàng trăm ha cây đậu tương.
Thỉnh thoảng, truyền thông lại “rồ” lên chuyện gạo nấu thành cơm, để lâu thành màu đỏ; sầu riêng có chất bảo quản gây ung thư; túi bao trái xoài có chất cấm; rau ven đô thị bón phân tươi...hàng loạt những thông tin, hình ảnh được tô vẽ, dựng lên thành câu chuyện không có thật về nông sản, thực phẩm... lan đến người tiêu dùng, gây phản ứng: dồn người nông dân vào một góc, gán cho họ cái mác “đồng lõa gieo mầm bệnh” khiến cho nông sản ứ thừa, rớt giá.
Tin đồn túi bao trái có chứa chất gây ung thư làm nông dân khốn đốn vì xoài rớt giá thảm hại. |
Ngay như vụ “dùng chổi quét rau” để biến rau bẩn thành rau sạch trên VTV3 mới đây đã bị phát hiện là dựng chuyện 100%, dàn cảnh phóng sự truyền hình mà mức độ hư cấu chẳng khác gì… phim truyện. Hậu quả là rau của nông dân Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) trồng ra bán 1.000 đồng 3 bó cũng chẳng ai mua.
Đến khi những chuyện đồn thổi này được làm rõ trắng – đen thì những cơ quan, cá nhân vi phạm chỉ bị xử phạt với số tiền có tính… tượng trưng, còn nông dân - người thì khốn khó, người thì sạt nghiệp; tiền người mua, người bán chảy vào túi kẻ tham. Điều đáng nói là chuyện tung tin thất thiệt, đồn nhảm vẫn còn, vẫn có thể tiếp tục khơi ra, bùng phát... người nông dân vẫn trong tình trạng lo âu, nơm nớp sợ khi vụ lúa xuân sắp vào thu hoạch, vườn trái cây vào mùa thu hái, thị trường trong nước và xuất khẩu đang được khơi thông.
Chưa bao giờ công nghệ thông tin lại phát triển nhanh, rộng như hiện nay, mang lại nhiều tiện ích, thông tin cho con người đến từng giờ, từng phút; song mặt trái của nó là sự nhiễu nhương, những “cơn lên đồng” của truyền thông, thói “ba hoa” trong lời truyền miệng...đã gây hại cho tiêu thụ nông sản, việc làm, thu nhập, sinh kế của người nông dân. Rõ ràng, trong hậu quả ấy, có lỗi của một số đơn vị hoạt động truyền thông về sự dễ dãi, cẩu thả, thích câu view, thiếu kiểm chứng, thiếu nghe tiếng nói của nhà nông... đã vô tình tiếp tay cho vấn nạn tin đồn thất thiệt có đất phát triển, lộng hành.
Chỉ cần có một tài khoản trên mạng xã hội facebook, hàng ngày người dùng mạng này sẽ được “no nê” tới mức bội thực các loại tin đồn, mà béo bở nhất là những tin đồn liên quan đến thực phẩm, miếng ăn cái uống hàng ngày. Điều đáng tiếc là nhiều người dùng mạng xã hội, tức là đang thụ hưởng một thành quả của đời sống công nghệ hiện đại, nhưng tiếc thay, tâm thế vẫn không khác gì những người thích “ngồi lê đôi mách” ở cổng làng hay đầu ngõ ngày xưa.
Họ nhắm mắt nhắm mũi share (chia sẻ) những tin đồn thiếu kiểm chứng để làm lây lan chúng nhanh như bệnh dịch. Họ chẳng cần suy xét hậu quả, chẳng cần biết đến những nạn nhân khốn khổ là người nông dân cần mẫn làm ra hạt lúa, hạt đậu, trồng ra trái xoài, trái dưa hấu sẽ rơi vào thảm cảnh khi tin đồn dấy lên thành một cuộc “tẩy chay”. Đó có thể gọi là một “cái ác hồn nhiên”.
“Thương trường là chiến trường”, thông tin thời hội nhập là giá trị, “vì nông dân, hãy cùng với nông dân” – Điều trước hết là cả xã hội cần phải cảnh giác với tin đồn thất thiệt và trong việc nói, việc viết...xin đừng “ba hoa” , đơm đặt những tin dữ để làm hại họ!
Mời quý độc giả xem video Chuyện lạ cá uống bia (nguồn Youtube):