Thiếu tướng công an đề nghị tuyên truyền để dân tẩy chay chung cư mini

Cho rằng nhiều người dân thiếu hiểu biết, ham rẻ nên vẫn mua chung cư mini, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, thiếu tướng Hoàng Quốc Định khuyến cáo nên tẩy chay, không mua.

Chiều 3/4, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc cơ quan Cảnh sát PCCC Hà Nội, đã thông tin về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.
"Mất an toàn cháy nổ vì chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận"
Theo thiếu tướng Hoàng Quốc Định, với tình hình đô thị hóa cao, gia tăng dân số, các công trình nhà chung cư cao tầng ngày càng phát triển nhiều tại Hà Nội. Tuy nhiên, thiết chế quản lý nhà chung cư cao tầng vẫn chưa rõ ràng. Ông thẳng thắn chỉ ra việc có nhiều chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận, tiết kiệm chi phí đầu tư cho công tác PCCC do đó không đảm bảo an toàn.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc cảnh sát PCCC Hà Nội. Ảnh: CSPCCCHN.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc cảnh sát PCCC Hà Nội. Ảnh: CSPCCCHN. 
Nếu xảy ra các vụ cháy nổ tại các tòa nhà chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, nơi tập trung đông người sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Thành phố Hà Nội cũng đang chỉ đạo quyết liệt để khắc phục.
“Ví như chung cư có tầng hầm ở đế, thường chứa xe máy, ôtô. Xe máy, ôtô đều là nguồn, nguy cơ mất an toàn, phát cháy sẽ lan rất nhanh. Về nguyên lý là bốc khói lên trên khiến người chết về ngạt, chưa chết cháy đã chết ngạt chỉ trong tích tắc. Điều này khiến tôi rất lo lắng, trăn trở. Năm 2015, Hà Nội cũng xảy ra vụ cháy tầng hầm ở CT4 Xa La, Hà Đông”, ông Định nói.
"Thiếu hiểu biết nên mua chung cư mini"
Một vấn đề khác được quan tâm là trách nhiệm quản lý các tòa nhà tái định cư, chung cư mini trên địa bàn cũng được nhiều người quan tâm.
Báo chí yêu cầu Cảnh sát PCCC Hà Nội cung cấp số liệu các nhà tái định cư, chung cư cũ trên địa bàn đảm bảo an toàn cũng như mất an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Nhà ống chia lô cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn PCCC. Ảnh: CSPCCCHN.
Nhà ống chia lô cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn PCCC. Ảnh: CSPCCCHN.
Trả lời câu hỏi, thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết thành phố đã có rà soát và bố trí đầu tư hoàn thiện hệ thống PCCC tại các nhà tái định cư.
Về vấn đề chung cư mini, ông thừa nhận việc quản lý tại Hà Nội còn nhiều kẽ hở như thủ tục xây dựng, cấp phép, bán, cho thuê, đưa vào hoạt động.
“Các ngành chức năng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, các quận huyện địa phương đang rà soát, đưa vào siết chặt quản lý an toàn PCCC”, ông Định nói.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cũng cho biết cần tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết về điều kiện an toàn PCCC. Ông khuyến cao người dân cần tẩy chay, không nên mua chung cư mini.
“Căn hộ diện tích vừa vừa, xinh xinh, người dân lại hiểu biết rất thấp, cứ thấy giá thành rẻ là mua. Đề nghị cần tuyên truyền để người dân tẩy chay, không mua chung cư mini”, ông Định nhấn mạnh.
Nhà ống chia lô cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Tại cuộc họp, thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết hiện tại Hà Nội chỉ còn 23 công trình chưa được nghiệm thu PCCC so với 79 công trình như năm ngoái.
Ngoài chung cư cao tầng, lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội cảnh báo nhà ống chia lô cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy. “Với loại hình nhà ống chia lô tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và rất nguy hiểm bởi khả năng thoát nạn thấp, chữa cháy khó”, ông Định nói.
Cơ quan này đang tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền để có giải pháp khắc phục.
Một trong những biện pháp được ông Định đưa ra là chỉ cung cấp điện nước sinh hoạt cho các công trình được nghiệm thu PCCC. “Quá trình giải quyết các công trình mất an toàn PCCC còn nhiều vướng mắc. Cấp điện nước sinh hoạt có thể là một công cụ quản lý Nhà nước”, ông Định nói.
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC Hà Nội, trong năm 2017 và quý I, trên địa bàn xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ, trong đó năm 2017 là 820 vụ, quý I là 280 vụ. Số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng trong năm 2017 là 31 vụ, 7 vụ cháy lớn, 187 vụ cháy trung bình, 846 vụ cháy nhỏ, 3 vụ nổ.
Nguyên nhân của các vụ cháy chiếm phần lớn do chập điện (699 vụ), cháy bãi rác, phế liệu (442 vụ). Tổng thiệt hại về người là 24 người chết, 18 người bị thương, 617 tỷ đồng giá trị tài sản và 6,3 ha rừng.

Tin mới