Ảnh minh họa. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, có thể nói rằng phụ nữ Việt Nam bị bạn trai xưng danh người nước ngoài (quen trên mạng xã hội) lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức gửi quà tặng xảy ra nhiều năm nay, nhiều đối tượng đã bị xử lý đã có rất nhiều những cảnh báo nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin mắc mưu những chiêu lừa thức lừa đảo rất cũ này.
Mạng xã hội là môi trường hết sức phức tạp, việc xác minh kiểm chứng thông tin của người này với người khác không hề đơn giản. Bởi vậy những cái tên, những danh xưng, những hình ảnh và những thông tin cá nhân của một tài khoản mạng xã hội không có gì đảm bảo là thật. Bởi vậy, những đối tượng lừa đảo thường mạo danh người khác, trang hoàng cho mình một diện mạo bánh bao, giầu có để đi lừa đảo những người phụ nữ nhẹ dạ, cả tin.
Thậm chí nhiều đối tượng là người Việt Nam nhưng giả danh là đàn ông người nước ngoài, người Mỹ, thương gia giàu có, người đang tham gia chiến tranh và có nhiều tài sản, người mắc bệnh hiểm nghèo muốn làm từ thiện... sau đó liên hệ làm quen với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ tuổi trung niên, tìm cách tiếp cận thận mật rồi ngỏ ý tặng quà, cuối cùng chúng lừa đảo bằng cách gửi số tài khoản để chuyển tiền phí gửi quà...
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Tất cả các đối tượng giả danh nhân viên sân bay, nhân viên bưu điện hoặc các cơ quan, tổ chức nhà nước trong việc chuyển quà, nhận phí đều là nhóm đối tượng lừa đảo, khiến nhiều người bị hại tin tưởng và sập bẫy của các nhóm đối tượng này. Thủ đoạn của chúng là đánh vào tình cảm của những phụ nữ cô đơn, mộng mơ và những người nhẹ dạ cả tin, đồng thời đánh vào lòng tham của một số người muốn được tặng quà, nhận quà mà không phải lao động...
Những năm gần đây không phải một đối tượng mà rất nhiều nhóm đối tượng đã thực hiện thủ đoạn lừa đảo như trên và lừa đảo hàng trăm phụ nữ, rất nhiều vụ việc đã được phanh phui, nhiều đối tượng bị bắt bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên có nhiều người vì xấu hổ, ngại ngùng, thậm chí không tin là sẽ đòi được tiền nên không làm đơn trình báo, tố cáo. Điều này khiến các đối tượng tiếp tục có thời cơ thực hiện hành vi lừa đảo với những người tiếp theo...
Một điều rất dễ nhận thấy là đối tượng xưng danh là người nước ngoài nhưng sử dụng tiếng Việt rất thành thạo, biết rất nhiều thông tin về Việt Nam. Các đối tượng này thực tế là người Việt Nam sống ở trong nước hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, liên kết với nhau thành một nhóm đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, thông tin, tài khoản mạng xã hội và tài khoản ngân hàng khác nhau để lừa đảo.
Những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Facebook nói riêng, mạng xã hội nói chung với số tiền lừa đảo từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 bộ luật hình sự hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 bộ luật hình sự năm 2015, mức hình phạt có thể đến 20 năm tù.
Bởi vậy, người sử dụng Facebook nói riêng, sử dụng mạng xã hội nói chung cần cảnh giác với những người chỉ quen trên mạng xã hội mà chưa gặp mặt đặc biệt là không nhận quà tặng của người lạ với những điều kiện là phải chuyển phí, thuế của món quà đấy.
Trong trường hợp đã bị các đối tượng lừa đảo thì cần phải trình báo ngay thông tin với cơ quan chức năng để xem xét xử lý các đối tượng vi phạm, tránh để các đối tượng này tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội với người khác. Những người có thông tin, tài khoản Facebook của những đối tượng này thì cần cung cấp cho cơ quan điều tra để xác minh xử lý các đối tượng này.
Nguồn: VTC 1.