Kỳ 2: Chủ nhân lăng mộ
Điểm nhấn của toàn bộ khu lăng mộ trị giá 3.000 lượng vàng ở TP. Rạch Giá (Kiên Giang) là khu trung tâm lăng mộ, hai hòn giả sơn mang tính nghệ thuật cao, nhiều ý tưởng phức tạp, cầu kỳ. Tuy nhiên, công trình đồ sộ và bí ẩn nhất trong khu lăng mộ là hệ thống nhà thờ tự.
Khu nhà thờ tự ở phía trong cùng của quần thể lăng mộ, ngăn cách với khu trung tâm lăng mộ bởi khoảnh sân, cùng vườn cây rợp bóng, lối đi cỏ mọc, hoa thơm. Khu thờ tự được thiết kế theo kiến trúc đình chùa hai gian ba chái.
Khu thờ tự nằm phía trong cùng của quần thể lăng mộ. |
Khu thờ tự cực kỳ rộng rãi, đủ cho cả trăm người sinh hoạt phía trong. Gian giữa là nơi thờ tự. Hai chái dành cho người ở để trông nom, hương khói cho khu mộ. Các cột trụ, xà nhà, bốn bức tường đều là những hình vẽ núi non, sông hồ, tiên nữ, mây khói… toàn là cảnh tượng chốn bồng lai.
Điểm xuyết bên những tiên cảnh là những bài thơ cổ chữ Hán. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cháu cố của ông Hội Đồng Suông, thì toàn bộ khu nhà này vốn là khung cảnh mô tả trần gian và trên trời, tức bồng lai tiên cảnh. Tuy nhiên, chiến tranh loạn lạc, khu mộ bỏ hoang mấy chục năm nay, nên phần lớn các tác phẩm nghệ thuật đã biến mất hoặc bị phá hủy.
Mới đây, Nhà nước đã đổ cả bạc tỉ để trùng tu lại những bức họa này, nhưng theo ông Tuấn, thì không được đẹp như những bức họa cổ.
Nếu như khu thờ tự phía trên là trần gian và tiên cảnh, thì những kiến trúc dưới tầng hầm chính là “địa ngục”.
Những bức tranh mới được phục dựng ở khu thờ. |
“Địa ngục” là một tầng hầm rộng cả trăm mét vuông. Tuy nhiên, lối xuống “địa ngục” không phải từ gian thờ tự, mà phải đi vòng phía ngoài.
Từ bên phải, phía hông của gian nhà thờ tự, có một cửa hầm bằng đá, nằm dưới chân quả đồi đắp bằng đất cao cả chục mét. Căn hầm này sẽ dẫn xuống “địa ngục”. Tuy nhiên, căn hầm khổng lồ đang trong quá trình trùng tu, nên bịt kín, không ai được vào.
Theo ông Tuấn, xưa kia, “9 tầng địa ngục” là hệ thống tranh vẽ dưới tầng hầm. Đó là những hình ảnh Diêm Vương trừng phạt những kẻ từng gây tội ác trên thế gian.
Mỗi “tầng địa ngục” mô tả bằng những hình ảnh khác nhau, gồm voi giày, ngựa xé, những cảnh tượng Diêm Vương quăng người vào dung nham núi lửa, vạc dầu, hoặc chặt xác thành nhiều mảnh…
Tuy nhiên, hầu hết những tuyệt phẩm đã bị đánh cắp vào thời kỳ loạn lạc.
Hòn giả sơn bên tả do thợ Trung Quốc xây dựng. |
Ông Ẩn bên lối vào phía hữu, là hòn giả sơn do thợ người Việt xây dựng. |
Phần “địa ngục” của khu lăng mộ này không chỉ là một hệ thống tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ, mà còn là một di tích lịch sử quan trọng, bởi tầng hầm là nơi cán bộ tỉnh Minh Hải, sau này là Kiên Giang, rồi cán bộ Trung ương ẩn náu, họp bàn, đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong thời kỳ kháng Pháp và chống Mỹ-Ngụy.
Mặc dù khu lăng mộ xây dựng cầu kỳ, tốn kém và đầy tính nghệ thuật, nhưng ông Nguyễn Anh Tuấn, cháu cố Hội Đồng Suông lại bảo rằng, do ông Hội đồng xây dựng mộ trái ý nhà phong thủy, nên ông đã nhận một cái kết bi thảm.
Ông đã chết bất đắc kỳ tử khi ngôi mộ còn dở dang. Sau này, đời cháu, chắt, chỉ toàn nông dân, thợ hồ, làm thuê, lưu lạc…
Đường hầm phía sau lăng mộ dẫn vào "địa ngục". |
Để tìm hiểu về người xây dựng ngôi mộ trị giá 3.000 lượng vàng, ông Nguyễn Anh Tuấn, cháu gọi cụ Hà Mỹ Suông bằng cố, dẫn tôi về phía sườn Đông ngôi mộ, tìm đến nhà ông Nguyễn Ngọc Ẩn.
Ông Ẩn được dòng họ phân công trông nom, quản lý khu mộ này. Ông Ẩn là người nắm rõ nhất về lai lịch ngôi mộ, quá trình xây dựng, và thân phận của chủ nhân ngôi mộ này, tức ông Hội đồng Suông.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn dù đã ngót 80 tuổi, song vẫn minh mẫn, dáng dấp phong độ. Ông ăn mặc chỉnh tề, dẫn tôi thăm quan khu mộ được cho là lớn nhất Tây Nam Bộ từ xưa đến nay.
Ông Ẩn là con rể út của ông Thiềm Sơn. Ông Thiềm Sơn là cháu gọi ông Hội Đồng Suông bằng cậu. Ông Thiềm Sơn chính là người bỏ tiền xây dựng ngôi mộ để thờ phụng vợ chồng cậu ruột mình.
Ông Hội đồng Suông tên thật là Hà Mỹ Suông, là người Việt, gốc Hoa. Tổ tiên ông là người Phúc Kiến – Trung Quốc.
Nơi giữ cốt của 36 người trong họ tộc. |
Thời kỳ Mãn Thanh, bất bình với triều đình, tổ tiên ông di cư sang Việt Nam và được nhà Nguyễn cho định cư, khai hoang ở vùng U Minh Thượng, thuộc đất Kiên Giang bây giờ.
Khi đó, vùng đất này chỉ toàn rừng rú, “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um”, chẳng có bóng dáng con người. Gia tộc họ Hà đã bỏ rất nhiều tiền thuê mướn nhân công, khai khẩn ruộng đất.
Đến đời ông Hà Mỹ Suông, vào đầu thế kỷ 20, gia tộc này trở nên giàu có nhất vùng. Ông Suông trở thành một đại điền chủ, có tới 24.000 công ruộng, vườn ở vùng Ngang Dừa và Ngang Trâu, kéo dài từ U Minh Thượng (Kiên Giang) xuống tận U Minh Hạ (Cà Mau).
Người dân thời đó còn truyền tai nhau rằng, ruộng đất của ông Suông rộng đến nỗi sức cò bay không hết. Mỗi khi đến mùa vụ, hàng ngàn nhân công làm việc, lúa chất cao như quả núi, đong đếm cả tháng không hết.
Vì có quá nhiều tiền, nên ông Hà Mỹ Suông đã bỏ tiền ra mua chức Hội đồng, nên ông được gọi là Hội đồng Suông.
Phía sau trung tâm phần mộ. |
Phần trung tâm lăng mộ. |
Hồi đầu thế kỷ 20, khu vực An Biên (Kiên Giang bây giờ), là thủ phủ của gia tộc Hà Mỹ Suông. Trung tâm vực đó là một thị trấn sầm uất, nhà cửa khang trang, nối dài tít tắp.
Ngoài nhà ở của gia tộc, còn cả trăm ngôi nhà nhân công sinh sống, làm việc. Tuy nhiên, kháng chiến chống Pháp, nhiều lần bị đốt phá, nên khu vực ấy đã biết mất.
Mặc dù ông Hội đồng Suông bỏ tiền mua chức Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ, thành người của thực dân Pháp, song thực tế chức đó chỉ để ra oai, để phục vụ cho việc kinh doanh. Ông Hội đồng Suông chưa bao giờ gây tội ác với dân chúng Nam kỳ.
Thậm chí, ông được biết đến là nhà từ thiện lớn của vùng Nam kỳ lục tỉnh, thường xuyên giúp đỡ các tổ chức từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo.
(Còn tiếp…)