Giáo viên (GV) một trường THPT tại TP HCM cho biết trong kỳ thi thử THPT vừa qua, trong số gần 400 học sinh (HS) lớp 12 thì có 41% HS bị điểm liệt (dưới một) môn Toán. Đối với môn Văn, trong 25 bài thi thì chỉ khoảng 1-2 HS đạt điểm trên trung bình.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân thi thử THPT quốc gia tại TP HCM. |
Khó vượt qua tốt nghiệp
GV này phân tích đề thi tốt nghiệp THPT những năm trước (thang điểm 10), mức độ dễ của đề lên đến câu số 8, chỉ 2 câu khó dành cho HS khá, giỏi nên những em học lực trung bình cũng có thể đạt điểm 5 trở lên. Nhưng với đề thi thử môn Toán vừa qua tại TP HCM, đến câu 3 là các em đã phải cắn bút vì chỉ có 2 câu dễ. HS giỏi mới có thể kiếm 6-8 điểm thì với HS trung bình, đạt 4-5 điểm là khó. “Cứ cho rằng tỉ lệ 41% HS điểm liệt là do các em chưa làm bài hết sức, chưa có thời gian ôn tập nhưng nếu chỉ tính một nửa số đó, tức là khoảng 20% HS bị điểm liệt đã là rất nguy hiểm” - GV này phân tích.
Theo ThS Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2), đề thi môn Văn vừa qua tại kỳ thi thử khá giống với đề kiểm tra học kỳ II của trường nên HS trúng tủ, làm bài tốt. Tuy nhiên, với môn Toán, một số phần HS chưa được ôn tập nên không có nhiều học sinh điểm đạt khung điểm khá.
Hiệu phó phụ trách chuyên môn một trường THPT tại huyện Củ Chi cũng cho biết tổng điểm trung bình 4 môn đủ để đậu tốt nghiệp của HS trong kỳ thi thử đạt chưa tới 30%.
Theo ghi nhận, chỉ những trường THPT ở tốp đầu như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THPT Bùi Thị Xuân…, số HS đạt điểm trên trung bình khá cao. Còn ở một số trường tốp giữa và cuối, số HS đạt tổng điểm 4 môn xét tốt nghiệp không nhiều. Các trường đang lo ngại tình trạng HS trượt tốt nghiệp hàng loạt nếu mức độ của đề thi trong kỳ thi thật sắp tới có độ khó tương đương hoặc khó hơn so với đề thi thử.
Đề thế nào cho vừa sức?
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Phú Nhuận cho rằng việc “cân” đề thế nào cho vừa sức để phân hóa được HS trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới rất quan trọng. Đề thi và bài thi phải phản ánh kết quả đánh giá trong đào tạo của giáo dục phổ thông, cho dù chỉ vài phần trăm HS bị điểm liệt đã là có vấn đề. Đề thi cần phải cân nhắc để HS trường chuyên làm được nhưng HS các trường tốp cuối cũng không phải đến nỗi cắn bút.
Theo TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Hà Nội), điều lo lắng nhất hiện nay của GV, phụ huynh và HS là cấu trúc đề thi vì đây là yếu tố quan trọng quyết định tới kết quả kỳ thi. Cho đến nay, phương án 1 do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT đưa ra tại Công văn số 374/KTKĐCLGD-KT ngày 31-3 là các câu hỏi phục vụ việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ được trộn lẫn với nhau. Phương án này có ưu điểm là các kiến thức phục vụ cho 2 mục đích được phối hợp chặt chẽ trong một đề thi hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, nhược điểm của việc này là người thi bị phân tán sự tập trung về nội dung khó, dễ khi làm bài. Đối với HS yếu, việc phân biệt câu dễ để làm trước, câu khó làm sau rất mất thời gian, ảnh hưởng tới tâm lý thi cử và tiến độ làm bài. Về tổng thể, HS sẽ rất vất vả mới làm hết đề thi và như vậy sẽ ảnh hưởng tới kết quả xét tốt nghiệp và cả tuyển sinh.
Đề thi nên tách bạch 2 phần
TS Võ Thế Quân cho rằng nếu cấu trúc đề thi THPT quốc gia được tách thành 2 phần độc lập sẽ rất thuận lợi cho việc làm bài của thí sinh: Thí sinh có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT chỉ tập trung làm phần 1; thí sinh có nhu cầu xét tuyển ĐH, CĐ chỉ tập trung làm phần 2. Thí sinh vừa có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ thì phải làm cả 2 phần. Cấu trúc đề thi như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi về tâm lý, HS tập trung làm bài vào phần đúng với mục đích thi của mình. Điều này cũng tạo thuận lợi cho việc chấm thi và xử lý kết quả thi.