Công ty cổ phần Dịch vụ Globaltrans Air có thể là hãng bay thứ hai tại Việt Nam bị tước giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không chung chỉ trong vòng chưa đầy một năm.
Với chỉ 4 đơn vị đang hoạt động và đáp ứng các điều kiện của giấy phép, theo Báo Đầu Tư, thị trường hàng không chung đang khó đáp ứng được nhu cầu trong nước.
Tàu bay KingAir B200 của Globaltrans Air. (Ảnh: Báo Đầu tư) |
Hàng không chung vốn là thị trường đặc thù với chức năng phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, nghiên cứu khoa học hay bay phục vụ cá nhân... Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, với số lượng đơn vị rất nhỏ tồn tại được tại thị trường hàng không chung này sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu bay taxi, du lịch không thường lệ, bay y tế, khảo sát địa chất… đang tăng rất cao tại Việt Nam.
Mặc dù các hãng hàng không đã có nhiều cố gắng, bỏ nhiều chi phí đầu tư, tuy nhiên vẫn gặp rào cản liên quan đến hành lang pháp lý, quy trình thủ tục đề nghị cấp phép bay, hạ tầng hàng không cho hoạt động hàng không chung…
Đây là thị trường khá chuyên biệt và đang còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xin phép bay tầm thấp từ Bộ Quốc phòng, khiến các đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng không chung rất khó triển khai kinh doanh theo đúng kế hoạch.
Cân nhắc thiệt hơn việc tăng giá thuê đất khu công nghiệp
Giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp đã tăng nhanh trong thời gian gần đây có thể gây trở ngại cho các nhà đầu tư FDI muốn mở nhà máy tại Việt Nam, cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, theo Thời báo kinh tế Sài Gòn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, mức giá được đẩy lên quá cao nhưng nếu không có sự đổ bộ của các nhà đầu tư vào Việt Nam thì nguy cơ giá rớt mạnh có thể xảy ra trong thời gian tới, đặc biệt là khi kết nối quốc tế vẫn chưa được khai thông vì COVID-19.
Trong khi đó theo đại diện Savills Việt Nam, giá thuê đất tăng cao đang là mối lo ngại đối với các ngành sản xuất có giá trị và tỷ suất lợi nhuận thấp như dệt may, nội thất và chỉ đang ở mức chấp nhận được cho các nhà sản xuất đa quốc gia có giá trị cao, nhưng nếu vẫn tiếp tục tăng cao, khả năng cạnh tranh về giá của Việt Nam có thể bị suy yếu.
Xuất bản số hóa đổi mô hình
Nếu năm 2018 mới chỉ có 213 xuất bản phẩm điện tử được đăng ký, thì đến năm 2020, con số này đã là trên 2.000 xuất bản phẩm cùng 1,5 triệu lượt truy cập, tờ Nhịp cầu đầu tư nhận định ngành xuất bản Việt Nam hiện có nhiều nền tảng để bắt kịp các trào lưu mới nhất của thế giới.
Tác giả dẫn lời ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho rằng một số nhà xuất bản Việt Nam đang bước tới giai đoạn 2/3 trong chuyển đổi số khi một số nơi đã bắt đầu sử dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm mới.
Đơn cử như một đơn vị đã có hơn 3 triệu độc giả trên các nền tảng ứng dụng và ghi nhận doanh thu tăng trưởng hơn 40% trong năm 2020; hay những xu hướng mới của thế giới cũng được nhiều doanh nghiệp nhanh chóng cập nhật như: sách nói bản quyền - người dùng phải trả tiền để nghe, ứng dụng AI phân tích thói quen, nhu cầu độc giả… Mô hình và quy trình của nhiều nhà xuất bản cũng đã chuyển biến từ vai trò của người sản xuất, tạo ra sản phẩm sang vai trò cung cấp các dịch vụ nội dung.