Bùng nổ thị trường mạng di động ảo
Sau khi thử nghiệm tại Nghệ An vào tháng 5, mới đây, mạng di động ảo VNSky bắt đầu triển khai mở rộng trên toàn quốc. Đây là mạng di động thuộc hệ sinh thái của Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay), sử dụng đầu số 0777. Để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, VNSky sẽ hợp tác với MobiFone để sử dụng hạ tầng viễn thông.
Khác với các doanh nghiệp viễn thông truyền thống, nhà cung cấp mạng di động ảo không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông mà thuê từ đơn vị khác. Do đó, các nhà mạng này không tốn nhiều chi phí xây dựng hay phát triển hạ tầng, đồng thời rút ngắn thời gian thu hồi vốn.
Để cung cấp dịch vụ, các nhà mạng ảo mua gói lưu lượng truy cập từ nhà mạng đối tác và chia thành các gói bán lẻ cho khách hàng. Điều này cũng đem lại lợi ích cho nhà mạng truyền thống khi có thể tận dụng cũng như thu lời từ phần tài nguyên lưu lượng chưa sử dụng.
Đối với người dùng, các mạng di động ảo cung cấp đa dạng cả về dịch vụ lẫn giá cước. Ưu điểm này giúp doanh nghiệp có lợi thế nếu tiến vào thị trường ngách hoặc tiếp cận phân khúc khách hàng ngoài phổ thông.
Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh lên các đối thủ cùng ngành hay ngay cả doanh nghiệp viễn thông truyền thống, từ đó giúp người dùng có nhiều lựa chọn và hưởng lợi nhiều hơn.
Ngay khi ra mắt, VnSky đặt mục tiêu có 5 triệu người dùng năm 2025 và trở thành 1 trong 5 mạng di động lớn nhất Việt Nam, với trọng tâm là trải nghiệm số của khách hàng. Mạng di động này sẽ kết hợp với những dịch vụ trong hệ sinh thái VNPAY như VnPay-QR, VnShop, VnTaxi… để mang tới cho khách hàng những sản phẩm khác biệt.
Thêm mạng ảo 0777, thị trường viễn thông có sôi động? (ảnh minh họa: Internet). |
Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng di động ảo tại Việt Nam gồm: Đông Dương Telecom (iTel), Mobicast (Wintel - trước là Reddi), ASIM (Local), Digilife (VNSky) và FPT Retail. Trong đó, mạng di động ảo của Đông Dương Telecom và Mobicast sử dụng hạ tầng của VinaPhone, còn mạng ASIM, Digilife và FPT Retail sử dụng hạ tầng của MobiFone. Duy nhất Viettel chưa có bất cứ một nhà mạng ảo nào có thể hợp tác, cho dù Viettel được cho là có hạ tầng mạnh nhất hiện nay.
Trước đó, tham gia thị trường di động ảo đầu tiên là mạng di động ảo Đông Dương Telecom, được ra đời vào cuối tháng 4/2019 với đầu số 087 (ITelecom). Mạng di động này hợp tác với VinaPhone để cung cấp dịch vụ. Đông Dương Telecom chọn thị trường ngách là cung cấp dịch vụ dành cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.
Ngay sau đó, tháng 6/2020, Công ty CP Mobicast đã khai trương mạng di động ảo Reddi với đầu số 055 để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Năm 2021, The Sherpa – công ty thành viên của tập đoàn Masan đã rót 295,5 tỷ đồng để mua lại 70% cổ phần Mobicast. Cuối năm 2022, Reddi đổi tên thành Wintel.
Mạng di động ảo thứ ba mang tên Local (mylocal.vn) với thử nghiệm dựa trên đầu số của MobiFone, do Công ty CP Viễn thông ASIM (ASIM Telecom) phát triển và ra mắt vào đầu tháng 5/2021. Mới đây nhất, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng đã triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo tại Việt Nam. Sự tham gia của FPT Retail được cho là có thể sẽ tạo ra những thay đổi tích cực tới thị trường viễn thông, dù nó được cho là chỉ phục vụ hệ sinh thái và khách hàng của Tập đoàn FPT.
Cơ hội và thách thức
ITelecom là mạng di động ảo được cấp phép đầu tiên tại Việt Nam, từ năm 2009. Song mạng di động này sau 10 năm được cấp phép mới cung cấp dịch vụ ra thị trường.
Trao đổi với báo chí khi khai trương mạng, ông Lưu Anh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom cho biết, thách thức lớn nhất là làm sao cung cấp được dịch vụ tốt với chi phí cạnh tranh.
Giải thích việc vì sao Đông Dương Telecom lại kinh doanh mạng di động ảo, ông Sơn cho hay số lượng thuê bao bùng nổ đã phát sinh các nhu cầu về quản lý và chăm sóc thuê bao… Hơn nữa, nhu cầu của khách hàng về dịch vụ ngày càng gia tăng, khách hàng đòi hỏi không chỉ là dịch vụ thoại và dữ liệu thông thường mà còn mong muốn các dịch vụ mới mang tính tương tác cao. Các nhà khai thác di động khó có thể thành công với nhiều ứng dụng và nội dung khác nhau, do vậy cần có sự hỗ trợ và chia sẻ từ các nhà khai thác khác.
Ông Sơn cho rằng thực tế ở Việt Nam là cùng với sự bùng nổ về số lượng thuê bao thì số lượng thuê bao ảo và thuê bao rời mạng cũng ngày càng tăng. Do đó, việc liên doanh với các nhà khai thác mới như Đông Dương Telecom sẽ giúp các nhà khai thác hiện tại phân đoạn thị trường, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Nhà mạng ảo không phải đầu tư hạ tầng nên có điều kiện tập trung nguồn lực cho phát triển kênh phân phối, truyền thông, marketing, chăm sóc khách hàng…
Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết tháng 4 vừa qua, các nhà mạng di động ảo tại Việt Nam đã thu hút được 2,65 triệu thuê bao, chiếm 2,1% tổng số lượng thuê bao di động trên toàn thị trường. Đây có thể được coi là một con số còn khá khiêm tốn khi Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ dân số trẻ, am hiểu công nghệ và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao.
Lý giải điều này, các chuyên gia phân tích cho rằng thị trường mạng di động Việt Nam hiện có doanh thu trung bình trên mỗi đơn vị (ARPU) thấp với mức chi tiêu trung bình cho dịch vụ di động ở Việt Nam lại chỉ ở vào khoảng 70.000 - 90.000 đồng/tháng. Do đó, sẽ rất khó cho các nhà mạng di động ảo có thể cạnh tranh để có được người đăng ký.
Bên cạnh đó, hiện tại lượng thuê bao di động tại Việt Nam đã cán ngưỡng bão hòa, rất khó để phát triển thêm thuê bao mới. Các nhà mạng di động ảo mới ra đời gần đây buộc phải đi vào các thị trường ngách. Song, ngay cả thị trường ngách (như cung cấp cho khu công nghiệp, khu đô thị,…) thì các nhà mạng có hạ tầng kỳ cựu bao gồm Viettel và VNPT (Vinaphone và MobiFone) cũng đã phủ khắp và cạnh tranh khốc liệt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, thị trường di động Việt Nam cần một làn gió mới. Thực tế cho thấy, sự tham gia của các mạng di động ảo gần đây đang được kỳ vọng sẽ mang lại yếu tố tích cực là làm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường di động. Các mạng di động ảo cũng sẽ cung cấp nhiều gói cước với giá rẻ hơn, góp phần giúp đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khoẻ, giải trí…